Chùa Giác Hoa: Ngôi chùa độc đáo trăm năm tại Bạc Liêu

Là điểm hội tụ giữa kiến trúc nghệ thuật độc đáo và chiều sâu tâm linh, chùa Giác Hoa không chỉ là một trong những ngôi chùa cổ nhất tại Bạc Liêu mà còn được mệnh danh là "trái tim Phật giáo" của miền Tây Nam Bộ đầu thế kỷ XX. Với hơn 100 năm lịch sử, nơi đây đã chứng kiến nhiều thăng trầm dân tộc, giữ vai trò là cơ sở cách mạng quan trọng và hiện vẫn là trung tâm đào tạo Phật học lớn của tỉnh.

Thông tin tổng quan về Chùa Giác Hoa

Chùa Giác Hoa tọa lạc tại Quốc lộ 1A, ấp Xóm Lớn, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, cách trung tâm thành phố khoảng 7km về hướng Đông Nam. Xung quanh ngôi chùa được bao bọc bởi dòng sông Châu Hưng và không gian xanh mát, tạo thành vị trí tương đối biệt lập, mang đến cho một không gian yên tĩnh và thanh tịnh.

Điểm thu hút của chùa Giác Hoa chính là kiến trúc giao thoa Đông - Tây theo lối "nội công, ngoại quốc". Thoạt nhìn ban đầu, du khách thường ngỡ đây là một ngôi nhà cổ hoặc một công thự thời Pháp thuộc ở Nam Kỳ.

Bên cạnh kiến trúc nổi bật, Chùa Giác Hoa còn mang giá trị lịch sử, tâm linh sâu sắc và giữ vai trò trung tâm Phật học của tỉnh Bạc Liêu.

Chùa Giác Hoa

Chùa Giác Hoa (Nguồn: Internet)

Lịch sử và câu chuyện về chùa Giác Hoa

Chùa Giác Hoa không chỉ là nơi tu tập của Phật tử mà còn là dấu ấn văn hóa - lịch sử đặc biệt của vùng đất Bạc Liêu

Nguồn gốc tên gọi

Người dân địa phương thường gọi chùa Giác Hoa bằng cái tên thân thương là “chùa Cô Hai Ngó”, để tưởng nhớ bà Trần Thị Điều - người có công lớn trong việc hiến đất, góp của, trực tiếp trông nom và phát triển chùa. Là hậu duệ của một dòng họ danh giá (gia đình Công tử Bạc Liêu), bà chọn gắn bó trọn đời với Phật pháp và công việc thiện nguyện. Với tấm lòng nhân hậu, luôn quan tâm chăm sóc cộng đồng, bà được kính mến gọi là “Cô Hai Ngó”, ngụ ý người phụ nữ luôn “ngó ngàng” đến người khác.

Tên gọi chính thức “chùa Giác Hoa” cũng do bà Trần Thị Điều đặt nên, mang ý nghĩa cao đẹp: “Giác” là giác ngộ, “Hoa” là hoa sen - biểu tượng thanh cao trong đạo Phật. Cái tên thể hiện ước nguyện sống theo giáo lý nhà Phật, thanh tịnh và hướng thiện như một đóa sen giữa đời thường.

Lịch sử hình thành và phát triển

Lịch sử hình thành:

Chùa Giác Hoa được khởi công xây dựng vào năm 1919, do Hòa thượng Thích Trí Tâm đứng ra khởi xướng. Đây là một trong những công trình Phật giáo đầu tiên tại Bạc Liêu.

Trung tâm Phật học lớn nhất Nam Bộ:

Theo tư liệu từ Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, chùa Giác Hoa từng là trung tâm Phật học lớn nhất miền Nam trong giai đoạn trước năm 1975. Đây là nơi đào tạo, bồi dưỡng nhiều thế hệ tăng ni, góp phần truyền bá và phát triển Phật pháp rộng khắp khu vực.

Cơ sở cách mạng:

Trong giai đoạn chiến tranh, chùa không chỉ là nơi tu hành mà còn là cơ sở cách mạng quan trọng. Vào những năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chùa đã âm thầm che giấu cán bộ, tổ chức họp bí mật và trở thành nơi nuôi giấu lực lượng cách mạng. Đặc biệt, vào năm 1945, chùa đã đóng góp 2.000 giạ lúa hỗ trợ cho phong trào cứu đói và kháng chiến, thể hiện tinh thần yêu nước và gắn bó sâu sắc với vận mệnh dân tộc.

Xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh:

Nhờ những đóng góp và giá trị lịch sử to lớn, vào năm 2001, Chùa Giác Hoa đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Ngay từ đầu thế kỷ XX, chùa Giác Hoa đã là trung tâm Phật giáo lớn

Ngay từ đầu thế kỷ XX, chùa Giác Hoa đã là trung tâm Phật giáo lớn của Nam Bộ (Nguồn: Internet)

Vai trò tôn giáo và văn hóa hiện nay

Không chỉ là di tích cách mạng, chùa Giác Hoa ngày nay còn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Bạc Liêu. Đây là nơi tổ chức các lễ hội lớn của Phật giáo như Đại lễ Phật Đản, Vu Lan, Rằm tháng Giêng, An cư kiết hạ, thu hút hàng ngàn Phật tử và du khách mỗi năm. Bên cạnh đó, chùa còn là nơi đặt Trường Trung cấp Phật học của Giáo hội Phật giáo tỉnh Bạc Liêu, tiếp nối sứ mệnh đào tạo tăng ni kế thừa và lan tỏa triết lý nhà Phật.

Từ vai trò lịch sử đến vị trí tôn giáo, chùa Giác Hoa chính là minh chứng sống động cho sự hòa quyện giữa đạo và đời, giữa truyền thống và hiện đại trên đất Bạc Liêu.

Chùa Giác Hoa không chỉ là nơi thờ nguyện linh thiêng

Chùa Giác Hoa không chỉ là nơi thờ nguyện linh thiêng, mà còn là nơi đào tạo các thế hệ tăng ni và mang nhiều giá trị lịch sử - văn hoá sâu sắc (Nguồn: Internet)

Kiến trúc và không gian Chùa Giác Hoa

Tổng quan kiến trúc

Tổng thể: Chùa Giác Hoa có diện tích hơn 700m2, được xây dựng quay về hướng Bắc với nhiều công trình lớn nhỏ. Kiến trúc tổng thể của chùa vẫn giữ nguyên bố cục truyền thống của Phật giáo Bắc tông với cửa tam quan, chính điện, giảng đường, nhà Tổ và hậu liêu.

Kiến trúc Đông - Tây kết hợp: Mái ngói cong, hệ khung gỗ và tượng lưỡng long chầu nguyệt gợi nhắc rõ nét kiến trúc chùa Việt, trong khi các chi tiết dây leo, hoa văn uốn lượn, thức cột kiểu Baroque và Gothic lại mang dấu ấn Pháp cuối thế kỷ XIX.

Toàn bộ chùa được lợp ngói âm dương, nền cao thoáng, sử dụng tông màu vàng nhạt kết hợp nâu gỗ trầm ấm. Hệ thống hành lang và cột trụ được chạm trổ công phu, bố trí cân xứng, tạo nên một vẻ đẹp “độc nhất vô nhị” trong kiến chúc chùa miền Tây Nam Bộ thời bấy giờ.

Cổng tam quan Giác Hoa

Cổng tam quan Giác Hoa (Nguồn: Internet)

Các khu vực chính

Các khu vực chính trong chùa Giác Hoa bao gồm:

Chánh điện: Bước qua cổng tam quan, du khách sẽ thấy chánh điện, là khu vực trung tâm của ngôi chùa.

  • Ngoại thất: Ngoại thất của chánh điện mang hơi hướng như một dinh thự thời Pháp thuộc, kết hợp với mái ngói truyền thống và nền gạch thẫm màu tạo nên vẻ uy nghiêm và tĩnh tại.
  • Kết cấu bên trong: Không gian bên trong chánh điện rất thoáng mát và được thiết kế hoàn toàn bằng gỗ quý. Kết cấu gồm 20 cột gỗ tròn đường kính 45cm, chạm khắc hình rồng, phượng cùng nhiều hoa văn tinh xảo.
  • Bài trí không gian: Nội thất được bài trí trang nghiêm, nổi bật với các pho tượng Phật lớn và các án thờ sơn son thếp vàng rực rỡ.
  • Chức năng: Chánh điện là nơi tổ chức các nghi lễ Phật giáo quan trọng như lễ Phật, cầu an, và các buổi thuyết pháp.

Khu vực chánh điện

Khu vực chánh điện (Nguồn: Internet)

Không gian bên trong chánh điện

Không gian bên trong chánh điện (Nguồn: Internet)

Hậu Tổ: Là nơi thờ các vị Tổ sư, những người có công khai sơn, kiến tạo và phát triển chùa qua các thời kỳ.

Ni xá và trai đường: Là khu vực sinh hoạt, học tập và tu học của các chư ni trong chùa.

Khu vực ni xá

Khu vực ni xá (Nguồn: Internet)

Các công trình kiến trúc độc đáo khác:

Khuôn viên chùa Giác Hoa còn hội tụ nhiều công trình kiến trúc tâm linh được bố trí chặt chẽ khắp nơi, tạo nên không gian vừa linh thiêng, vừa phù hợp với nhu cầu tham quan, chiêm bái của du khách.

  • Tượng Phật Dược Sư lớn nhất Việt Nam: Tượng cao 33m và đạt tổng chiều cao 44m tính cả bệ ngồi, pho tượng uy nghi tọa lạc giữa không gian rộng mở, là điểm nhấn nổi bật của toàn thể khuôn viên.
  • Tượng bán thân Quan Âm trên núi: Tượng được đặt trên mô hình núi nhân tạo bên trong khuôn viên chùa
  • Các tượng Quan Âm Bồ Tát với các hóa thân khác nhau như Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, Quan Âm Tống Tử, Quan Âm Nam Hải v.v.
  • Thầy trò Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh: Công trình vừa mang tính giải trí vừa khơi gợi bài học về ý chí và hành trình tìm đến chân lý.
  • Tượng 12 con giáp: Hình tượng sinh động mang yếu tố văn hóa dân gian gần gũi với mọi thế hệ.

Khuôn viên và vườn cảnh: Khuôn viên chùa được bao quanh bởi những khu vườn xanh mát với nhiều loại cây cổ thụ, hoa kiểng, hồ sen, thác nước và nhiều tiểu cảnh được sắp đặt khéo léo, công phu.

Tượng Phật Dược Sư cao 44m

Tượng Phật Dược Sư cao 44m (Nguồn: Internet)

Tượng bán thân Phật Quan Âm trên núi

Tượng bán thân Phật Quan Âm trên núi (Nguồn: Internet)

Các tiểu cảnh và công trình tâm linh

Các tiểu cảnh và công trình tâm linh được bố trí chặt chẽ khắp khuôn viên chùa (Nguồn: Internet)

Khuôn viên chùa xanh mát và được trang trí đẹp mắt

Khuôn viên chùa xanh mát và được trang trí đẹp mắt (Nguồn: Internet)

Vườn cây xanh phục vụ du khách dạo bộ

Vườn cây xanh phục vụ du khách dạo bộ (Nguồn: Internet)

Tiểu cảnh trong khuôn viên chùa

Tiểu cảnh trong khuôn viên chùa (Nguồn: Internet)

Thác nước và hồ sen sống động

Thác nước và hồ sen sống động (Nguồn: Internet)

Rất nhiều góc vườn đẹp và yên tĩnh để du khách chiêm bái

Rất nhiều góc vườn đẹp và yên tĩnh để du khách chiêm bái, tĩnh tâm và thưởng ngoạn (Nguồn: Internet)

Các hiện vật giá trị đang được lưu giữ

Chùa Giác Hoa là nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý giá, mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa và nghệ thuật cao:

Bức hoành phi chạm khắc song long: Dài gần 2m, nặng khoảng 800kg và được sơn son thếp vàng, mang ý nghĩa thiêng liêng và quyền uy trong văn hóa Á Đông.

Bộ mộc bản tiếng Hán: Chùa lưu giữ nhiều bộ mộc bản kinh Phật bằng tiếng Hán, thể hiện vai trò là trung tâm Phật học, nơi lưu truyền và bảo tồn kinh điển Phật giáo quý giá qua nhiều thế hệ.

Bộ tranh kính vẽ ngược: 6 bộ tranh thiên thủ thiên nhãn được tạo tác tinh xảo bằng kỹ thuật vẽ ngược trên kính của người Hoa, thể hiện tín ngưỡng Bồ Tát Quan Âm với nghìn mắt nghìn tay, biểu tượng của lòng từ bi vô lượng.

Tượng Cửu Long bằng đồng: Biểu tượng quan trọng trong Phật giáo, tái hiện lại cảnh Đức Phật đản sinh và được chư thiên rưới nước cúng dường.

Chùa Giác Hoa hiện đang lưu giữ nhiều hiện vật tôn giáo

Chùa Giác Hoa hiện đang lưu giữ nhiều hiện vật tôn giáo có giá trị cả về mặt lịch sử lẫn nghệ thuật (Nguồn: Internet)

4+ hoạt động và trải nghiệm tại Chùa Giác Hoa

Đến với Chùa Giác Hoa, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo mà còn có thể tham gia vào nhiều hoạt động tâm linh và văn hóa ý nghĩa.

Cầu nguyện, chiêm bái

Đã từ rất lâu, chùa Giác Hoa là điểm đến của đông đảo giới phật tử tới chiêm bái và hành hương với các nghi thức cơ bản như:

  • Dâng lễ: Phật tử thường dâng hoa tươi, bánh trái, hoặc các phẩm vật chay tịnh lên bàn thờ Phật.
  • Thắp hương: Thắp hương là nghi thức thể hiện lòng thành kính và sự kết nối tâm linh với Đức Phật.
  • Lễ Phật: Du khách có thể niệm các bài kinh ngắn hoặc cầu bình an.

Ngoài ra, một số Phật tử và du khách còn thực hiện nghi thức chiêm bài (bói quẻ, xin xăm) để tìm lời khuyên hoặc định hướng tâm linh, đặc biệt trong các dịp đầu năm mới.

Hành hương, chiêm bái, dâng lễ

Hành hương, chiêm bái, dâng lễ là hoạt động không thể thiếu đối với hầu hết du khách đến chùa Giác Hoa (Nguồn: Internet)

Tham gia ngày lễ Phật lớn

Nếu có dịp đến Chùa Giác Hoa vào những ngày lễ lớn của Phật giáo, bạn sẽ được chiêm ngưỡng các hoạt động văn hóa - tâm linh đặc sắc với quy mô lớn như:

  • Lễ Phật Đản (Tháng 04 âm lịch): Kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật, với các hoạt động như rước kiệu, tắm Phật, và phóng sinh.
  • Lễ Vu Lan (Rằm tháng Bảy): Là dịp để báo hiếu cha mẹ, tổ tiên, với các nghi thức cầu siêu và cài hoa hồng.
  • Rằm tháng Giêng: Ngày lễ cầu an đầu năm, thu hút nhiều người đến cầu sức khỏe, bình an, và may mắn.
  • Rằm tháng Mười: Ngày lễ cầu siêu và tưởng nhớ những người đã khuất, mang ý nghĩa sâu sắc về lòng biết ơn và từ bi.

Trong các dịp lễ này, chùa cũng tổ chức các hoạt động văn hóa như múa lân, biểu diễn nghệ thuật Phật giáo, các buổi thuyết pháp, v.v. tạo nên bầu không khí náo nhiệt nhưng vẫn gìn giữ được sự trang nghiêm.

Vào các ngày lễ Phật lớn, chùa Giác Hoa tổ chức nhiều hoạt động

Vào các ngày lễ Phật lớn, chùa Giác Hoa tổ chức nhiều hoạt động và nghi lễ long trọng (Nguồn: Internet)

Pháp hội Dược Sư

Pháp hội Dược Sư cầu an đầu năm tại chùa Giác Hoa (Nguồn: Internet)

Tham gia khoá học Phật pháp

Là nơi đặt Trường Trung cấp Phật học của Giáo hội Phật giáo tỉnh Bạc Liêu, chùa Giác Hoa có nhiều khóa học Phật pháp dành cho cả ni cô và Phật tử như:

  • Khóa học Phật pháp cơ bản: Bao gồm các bài giảng về Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, và cách ứng dụng Phật pháp vào đời sống.
  • Khóa tu ngắn ngày: Các khóa tu như “Một ngày an lạc” hoặc “Khóa tu mùa hè” được tổ chức định kỳ, giúp Phật tử thực hành thiền định, niệm Phật, và sống chánh niệm.
  • Lễ an cư kiết hạ: Diễn ra trong ba tháng mùa mưa (từ tháng 06 - 08 âm lịch), đây là dịp để các ni cô và Phật tử chuyên tâm tu học, thực hành thiền và nghiên cứu kinh điển.
  • Các chương trình thuyết giảng định kỳ: Giúp Phật tử rèn luyện thân - tâm, tiếp cận giáo lý nhà Phật một cách bài bản và gần gũi.

Du khách có thể đăng ký tham gia các khóa học hoặc khóa tu thông qua Giáo hội Phật giáo tỉnh Bạc Liêu hoặc trực tiếp tại chùa.

Một khoá tu dành cho thanh thiếu niên tại chùa

Một khoá tu dành cho thanh thiếu niên tại chùa (Nguồn: Internet)

Tham quan, chụp ảnh

Du khách có thể chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo và ngắm các cổ vật quý trong ngôi chùa, tản bộ qua khu vườn thanh tịnh và ngắm nhìn các tiểu cảnh công phu, đẹp mắt. Ngoài ra, đừng quên chọn những góc đẹp mắt trong khuôn viên để chụp hình, lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong không gian thiền vị, yên bình.

Không chỉ là nơi hành hương, chùa Giác Hoa còn là điểm đến hấp dẫn đối với những ai yêu thích nhiếp ảnh và khám phá kiến trúc Phật giáo. Du khách có thể dạo bước qua các hành lang rợp bóng cây, chiêm ngưỡng tượng Phật Dược Sư hùng vĩ, hay lưu lại khoảnh khắc bên những bức tranh kính, phù điêu cổ kính nhuốm màu thời gian. Vào mùa lễ hội, chùa được trang trí rực rỡ với hoa sen, lồng đèn, cờ phướn, tạo nên bức tranh văn hóa tâm linh sống động giữa lòng thành phố.

Lưu ý: Khi chụp ảnh trong chánh điện hoặc khu vực thờ tự, du khách cần xin phép các ni cô và giữ thái độ tôn kính.

Kinh nghiệm hành hương và tham quan chùa Giác Hoa

Thời điểm thích hợp

Chùa Giác Hoa mở cửa quanh năm. Tuy nhiên, các dịp lễ lớn như Phật Đản (tháng 4 âm lịch), Vu Lan (tháng 7 âm lịch), hoặc Rằm tháng Giêng là thời điểm rất lý tưởng để ghé thăm chùa. Đây là những ngày chùa tổ chức nhiều hoạt động Phật sự long trọng với không khí lễ hội rộn ràng, thu hút đông đảo Phật tử và du khách thập phương.

Ngược lại, các ngày thường trong tuần sẽ phù hợp với du khách mong muốn tìm một không gian tĩnh lặng để chiêm bái và thiền định. Lúc này, chùa vắng khách hơn và giữ được vẻ thanh bình vốn có.

Chùa Giác Hoa mở cửa quanh năm cho Phật tử

Chùa Giác Hoa mở cửa quanh năm cho Phật tử và du khách thập phương đến hành hương, chiêm bái (Nguồn: Internet)

Di chuyển

Từ Thành phố Hồ Chí Minh đến TP. Bạc Liêu:

Bạc Liêu cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 280km theo đường Quốc lộ 1A và có thể lựa chọn các phương án sau:

Phương tiện di chuyển

Lộ trình

Chi phí tham khảo

Máy bay

Thành phố Hồ Chí Minh → Cà Mau → Bạc Liêu → Chùa Giác Hoa

Truy cập Vietnam Airlines để đặt vé máy bay giá tốt với tần suất chuyến bay được khai thác mỗi ngày.

Vé máy bay: Từ 1.162.000 VND/chiều

Xe khách Cà Mau - Bạc Liêu: Từ 99.000 VND/người/chiều

Xe khách

Thành phố Hồ Chí Minh → Bạc Liêu → Chùa Giác Hoa

Xe khách đi Bạc Liêu: Từ 140.000 VND/chiều

Ô tô/Xe máy cá nhân

Nội thành Thành phố Hồ Chí Minh Bình Chánh → cầu vượt nút giao thông Bình Thuận → rẽ vào quốc lộ 1A qua các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng → thành phố Bạc Liêu → chùa Giác Hoa

Chi phí xăng ô tô: 400.000 - 550.000 VND/chiều

Chi phí xăng xe máy: 115.000 - 170.000 VND/chiều

Từ Bạc Liêu đến chùa Giác Hoa:

Từ trung tâm Bạc Liêu, đi xe theo đường Trần Phú và Quốc lộ 1A, sau đó rẽ vào đường Huỳnh Thị Ngó, đi tiếp khoảng 400m và băng qua một cây cầu nhỏ (rộng khoảng 3m), bạn sẽ đến được chùa Giác Hoa.

Lưu ý khi di chuyển:

  • Trong chùa có bãi giữ xe miễn phí.
  • Xe máy và xe ô tô từ 16 chỗ trở xuống có thể vào tận sân chùa, các loại xe lớn hơn cần gửi ngoài quốc lộ và đi bộ vào do đường vào chùa khá hẹp.
  • Đoạn dốc sau cầu khá trơn, cần di chuyển chậm để đảm bảo an toàn.

Cây cầu nhỏ rộng 3m dẫn vào chùa

Cây cầu nhỏ rộng 3m dẫn vào chùa (Nguồn: Internet)

Ăn uống, mua sắm và nghỉ ngơi

Ẩm thực chay tại chùa:

Chùa Giác Hoa thường cung cấp các bữa ăn chay miễn phí hoặc mức giá “tượng trưng” cho khách hành hương, đặc biệt trong các dịp ngày Rằm, lễ lớn hoặc khóa tu. Thực đơn chay tại chùa được chế biến đơn giản nhưng đậm đà hương vị miền Tây với các món phổ biến gồm:

  • Cơm chay với các món như đậu hũ kho nấm, rau xào, và canh chay.
  • Bánh xèo chay, bún nước lèo chay

Lưu ý: Du khách tự phục vụ và rửa sạch chén bát sau khi dùng bữa, thể hiện tinh thần tôn trọng không gian chốn thiền môn.

Không gian nghỉ ngơi:

Chùa có bố trí phòng nghỉ sạch sẽ, thoáng mát dành cho khách hành hương từ xa, tạo điều kiện thuận tiện cho việc tham quan và chiêm bái.

Mua sắm đồ lễ và quà lưu niệm

Ngay trong khuôn viên chùa có khu vực bày bán các vật phẩm tâm linh như nhang, đèn, sách kinh, ảnh Phật, cùng các món quà lưu niệm nhỏ mang màu sắc Phật giáo, thích hợp để làm quà kỷ niệm hoặc quà tặng người thân.

Lưu ý quan trọng

Để chuyến tham quan, hành hương tại Chùa Giác Hoa diễn ra trang nghiêm và trọn vẹn, du khách nên lưu ý những điều sau:

  • Tham quan miễn phí: Nhà chùa không thu vé vào cổng. Tuy nhiên, bạn có thể tùy tâm cúng dường Tam bảo để góp phần duy trì sinh hoạt Phật sự và tu bổ chùa.
  • Trang phục lịch sự, kín đáo: Tránh mặc áo hở vai, quần ngắn hoặc trang phục phản cảm khi vào khuôn viên chùa, đặc biệt là khi vào chánh điện.
  • Giữ gìn vệ sinh chung: Không xả rác bừa bãi, hãy sử dụng thùng rác đúng nơi quy định để giữ gìn cảnh quan chùa luôn sạch đẹp.
  • Tôn trọng không gian tâm linh: Giữ im lặng hoặc nói chuyện nhỏ nhẹ, không gây ồn ào trong khu vực chánh điện và khi có nghi lễ đang diễn ra.
  • Đăng ký trước khi tham gia lễ hội, khóa tu: Nếu có ý định tham gia các hoạt động tôn giáo hoặc khóa tu, bạn nên liên hệ với chùa trước để được hướng dẫn cụ thể và chuẩn bị chu đáo.

Uy nghi mà lộng lẫy, bề thế mà thanh tịnh, chùa Giác Hoa không chỉ là một điểm đến tín ngưỡng linh thiêng, mà còn là biểu tượng giao thoa văn hóa - lịch sử - nghệ thuật độc đáo của miền Tây Nam Bộ. Trải qua hơn một thế kỷ thăng trầm, ngôi chùa vẫn giữ nguyên giá trị tâm linh, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong công tác giáo dục Phật học và hoạt động xã hội. Dù bạn là người hành hương mong muốn tìm chốn thanh tịnh, hay là du khách yêu thích kiến trúc và văn hóa bản địa, Chùa Giác Hoa đều xứng đáng là điểm dừng chân trong hành trình khám phá đất phương Nam.

Nếu bạn đang lên kế hoạch về miền Tây khám phá văn hóa tâm linh đặc sắc, hãy để Vietnam Airlines đồng hành cùng bạn trên mỗi chặng đường.