Chùa 4 mặt Quận 8 (Hội quán Sùng Chính) - Kinh nghiệm tham quan 2025

Chùa 4 mặt Quận 8 còn có tên gọi chính thức là Hội quán Sùng Chính, đây là ngôi chùa người Hoa duy nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh thờ phụng tượng Thần Tứ Diện (người dân thường gọi là Phật Bốn Mặt) được thỉnh từ Thái Lan, làm nên nét "độc lạ" và sức hút khó cưỡng đối với du khách thập phương. Với không gian vừa trang nghiêm vừa gần gũi, kiến trúc Trung Hoa tinh xảo và sự giao thoa tín ngưỡng hài hoà, ngôi chùa không chỉ là nơi cầu nguyện linh ứng, mà còn là điểm nhấn văn hoá đặc trưng giữa lòng đô thị Sài Gòn.

Thông tin tổng quan về chùa 4 mặt Quận 8

Vị trí và tên gọi

Địa chỉ: 17 Trương Đình Hội, phường Phú Định, Thành phố Hồ Chí Minh (Quận 8 cũ).

Chùa 4 mặt còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như chùa Phật Tứ Diện, chùa Sùng Chính, Hội quán Sùng Chính hoặc Hội quán Từ Thiện. Ngôi chùa này thu hút đông đảo du khách và Phật tử từ khắp nơi nhờ vào sự linh thiêng và kiến trúc độc đáo mang đậm phong cách Trung Hoa cổ kính.

Chùa 4 mặt có tên gọi chính thức là Hội quán Sùng Chính

Chùa 4 mặt có tên gọi chính thức là Hội quán Sùng Chính (Nguồn: Internet)

Nguồn gốc, vai trò

Chùa 4 mặt - chùa Sùng Chính vốn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa gốc Khách Gia (người Hẹ) tại Sài Gòn xưa. Ban đầu, đây là hội quán từ thiện, kết hợp thờ tự tổ tiên và tổ chức các hoạt động cộng đồng, thể hiện nét văn hóa đặc trưng của người Hoa di cư vào cuối thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XVIII.

Ngày nay, đây là nơi góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc, giá trị văn hóa truyền thống của người Hoa, đặc biệt trong kiến trúc, nghệ thuật và ẩm thực.

Điểm nổi bật

Chùa Sùng Chính là hội quán người Hoa duy nhất trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có thờ phụng Phật Bốn Mặt (Thần Tứ Diện - Phra Brahma) được thỉnh từ Thái Lan về.

Điều này tạo nên sức hút lớn đối với Phật tử và du khách trong và ngoài nước. Tượng Thần Tứ Diện được nhiều người tin là rất linh thiêng và cầu gì được nấy, thu hút đông đảo du khách và Phật tử đến viếng thăm hàng ngày. Nhiều người đã truyền tai nhau về độ linh ứng của chùa, đặc biệt là những ai muốn phát triển kinh doanh và cầu mong may mắn trong sự nghiệp, từ đó biến hội quán truyền thống thành điểm đến tâm linh nổi bật.

Tượng Thần Tứ Diện

Tượng Thần Tứ Diện (Nguồn: Internet)

Tiềm năng du lịch

Nhận thấy tiềm năng đặc sắc, năm 2019, UBND Quận 8 (cũ) đã đưa chùa vào tuyến “Hành hương thập tự miền Tây” dịp Tết Kỷ Hợi. Điều này cho chùa 4 mặt đã và đang dần phát triển thành một điểm du lịch văn hóa đặc trưng giữa lòng thành phố.

Chùa Sùng Chính là một điểm đến tâm linh nổi bật tại TP. Hồ Chí Minh

Chùa Sùng Chính là một điểm đến tâm linh nổi bật tại TP. Hồ Chí Minh (Nguồn: Internet)

Thông tin tham quan chùa 4 mặt - chùa Sùng Chính

Thời điểm lý tưởng

Du khách có thể ghé chùa vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên có một số thời điểm cụ thể được nhiều người lựa chọn như:

  • Các ngày mùng 01 và 15 âm lịch: Chùa đón khách đến tối muộn, thu hút đông đảo người đến chiêm bái, tạo nên bầu không khí nhộn nhịp.
  • Các dịp lễ hội lớn như Vu Lan, Phật Đản, lễ Khai Đại Bảo Tháp. Đây là thời điểm lý tưởng để tham gia các nghi lễ và tìm hiểu văn hoá tâm linh của người Hoa.
  • Buổi sáng sớm - không gian yên bình, thanh tịnh, vắng người hoặc buổi tối muộn - khi chùa lên đèn đầy lung linh và huyền ảo.

Giờ mở cửa

Chùa Sùng Chính mở cửa đón khách tham quan và chiêm bái hàng ngày trong khung giờ như sau:

  • Ngày thông thường: 07:00 - 19:00.
  • Ngày đặc biệt như mùng 01 và 15 âm lịch: 06:00 - 21:00.

Một lưu ý quan trọng cho du khách là Chánh điện nơi có tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn thường đóng cửa sau 17:00, vì vậy nếu muốn đảnh lễ tại khu vực này, du khách nên đến sớm hơn.

Hướng dẫn di chuyển

Từ trung tâm thành phố, du khách có thể đến chùa 4 mặt - chùa Sùng Chính bằng nhiều phương tiện khác nhau:

Xe máy, ô tô cá nhân: Có thể chọn một trong hai tuyến phổ biến sau:

  • Tuyến 1: Đường Võ Văn Kiệt → Cầu chữ Y → An Dương Vương → Trương Đình Hội
  • Tuyến 2: Đường Nguyễn Tri Phương → Cầu Nguyễn Tri Phương → Bình Đông → Mễ Cốc → Cầu Rạch Cát → Trương Đình Hội

Xe buýt: Các tuyến xe 15, 101, 46 có lộ trình đi ngang qua hoặc dừng tại trạm gần khu vực chùa.

Taxi, xe ôm công nghệ: Có thể bắt xe trực tiếp trên đường, đặt qua tổng đài hoặc qua ứng dụng đặt xe. Giá cước di chuyển từ trung tâm thành phố từ trên 145.000 VND/lượt taxi hoặc từ trên 70.000 VND/lượt xe ôm công nghệ.

Lưu ý:

  • Chùa có bãi giữ xe máy và ô tô rộng rãi và an toàn ngay trong khuôn viên.
  • Nếu đi vào dịp lễ, bạn nên xuất phát sớm để tránh kẹt xe quanh khu vực cầu Chữ Y.
  • Khi vào trong chùa, di chuyển theo đúng làn đường phân luồng. Chùa không thu phí giữ xe, du khách có thể bỏ tiền trong thùng tuỳ hỷ ở gần đường ra.
  • Vào những ngày lễ khi khu vực trong chùa quá tải, du khách đi ô tô cũng có thể gửi xe ở bãi bên cạnh chùa với phí 10.000 VND/lượt.

Bãi giữ xe có mái che trong chùa

Bãi giữ xe có mái che trong chùa (Nguồn: Internet)

Khám phá kiến trúc và nghệ thuật độc đáo

Phong cách kiến trúc

Chùa Sùng Chính được xây dựng theo phong cách kiến trúc Trung Hoa, với điểm đặc trưng nhất là phần mái vuốt cong hình đầu đao, được lợp bằng ngói ống màu xanh bích, tạo sự tương phản độc đáo với nền tường đỏ son. Trong khuôn viên và các điện thờ, lồng đèn được treo khắp nơi, ngoài ra còn có các chi tiết trang trí như bảo lam và hoành phi tinh xảo, khắc họa những câu đối Hán Nôm mang nội dung triết lý Phật giáo sâu sắc, tạo nên không gian vừa linh thiêng lại ấm cúng.

Chùa được xây dựng theo phong cách kiến trúc Trung Hoa cổ kính

Chùa được xây dựng theo phong cách kiến trúc Trung Hoa cổ kính (Nguồn: Internet)

Các công trình nổi bật

Tổng thể kiến trúc chính của chùa bao gồm cổng Tam Quan uy nghi, tòa Chánh điện là nơi thờ phụng chính, trai đường (nhà ăn chay) phục vụ cộng đồng và khu vực nhà ở cho tăng ni hoặc người quản lý.

Một số công trình nổi bật trong khuôn viên chùa bao gồm:

Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát: Bức tượng cao 9,9 mét ngay giữa khuôn viên sân chùa, toát lên vẻ trang nghiêm nhưng cũng đầy từ bi, che chở cho chúng sinh. Xung quanh tượng Quan Âm là các điện thờ quan trọng khác của chùa.

Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát

Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát (Nguồn: Internet)

Chánh điện: Đây là nơi thờ Bồ Tát Quan Âm thiên thủ thiên nhãn (Quan Âm nghìn mắt nghìn tay).

Khu vực Chánh điện

Khu vực Chánh điện (Nguồn: Internet)

Tượng Quan Âm thiên nhãn thiên thủ trong Chánh điện

Tượng Quan Âm thiên nhãn thiên thủ trong Chánh điện (Nguồn: Internet)

Điện Thần Tứ Diện: Điện thờ Thần Tứ Diện (Phật Bốn Mặt) nằm bên trái khuôn viên chùa. Tượng Phật có màu vàng đặc trưng, được đặt trang trọng trong khung kính, với bốn mặt thể hiện bốn đức tính là từ bi, hỷ xả, trí tuệ, bình đẳng. Mỗi khuôn mặt đều mang một sắc thái khác nhau, tám tay cầm tám pháp khí đại diện cho sự hộ trì, thành tựu, viên mãn.

Các điện thờ khác

  • Điện Địa Tạng Vương Bồ Tát: Nơi người dân thường cầu siêu, giải nghiệp, nguyện độ vong linh.
  • Điện Thần Tài, Thổ Địa: Gắn liền với tín ngưỡng dân gian, cầu tài lộc, bình an cho gia đạo và việc làm ăn.
  • Đền thờ trăm họ (thờ bài vị): Nơi thờ cúng ông bà tổ tiên và những người đã khuất, là một phần quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của người Hoa, thể hiện lòng hiếu thảo và sự gắn kết gia đình

Sự kết hợp linh hoạt này cho thấy một sự dung hoà giữa Phật giáo Đại thừa truyền thống Trung Hoa và tín ngưỡng đặc trưng của Phật giáo Thái Lan, giúp ngôi chùa phục vụ đa dạng đối tượng tín đồ, từ Phật tử tu tập đến du khách tham quan.

Cổng Tam Quan

Cổng Tam Quan (Nguồn: Internet)

Khuôn viên trước chùa

Khuôn viên trước chùa (Nguồn: Internet)

Nơi thờ Phật Di Lặc

Nơi thờ Phật Di Lặc (Nguồn: Internet)

4+ Trải nghiệm nổi bật tại chùa 4 mặt - chùa Sùng Chính

Chiêm bái, cầu nguyện

Chùa đón tiếp đông đảo người dân và du khách mỗi ngày, trong đó tượng Thần Tứ Diện là điểm hành lễ đông nhất, vì nhiều người tin rằng nơi này rất linh thiêng, "cầu gì được nấy" nếu lòng thành.

Thần Tứ Diện có bốn mặt, tượng trưng cho bốn phẩm hạnh cốt lõi: Từ - Bi - Hỷ - Xả và gắn liền với những nguyện vọng cụ thể:

  • Mặt chính diện dành cho những người cầu gia đạo (sức khỏe, bình an gia đình) và học vấn.
  • Mặt bên phải dành cho người cầu tài lộc (tiền tài, làm ăn phát đạt).
  • Mặt sau dành cho người cầu duyên (tình duyên, hôn nhân, con cái).
  • Mặt bên trái dành cho người cầu làm ăn (sự nghiệp, kinh doanh).

Lễ vật cúng dường: Theo truyền thống, khi dâng lễ vật lên Thần Tứ Diện, người ta thường chuẩn bị 4 chai nước ngọt Sting dâu đỏ, 4 cặp nến nhỏ, 1 cặp nến vàng trung, 1 chai dầu ăn nhỏ, 1 bó nhang, 1 chai nước suối. Du khách có thể tự chuẩn bị tại nhà hoặc mua tại các điểm bán hàng trong chùa với mức chi phí tham khảo như sau:

  • Mâm cúng Thần Tứ Diện: 108.000 - 138.000 VND/phần
  • Mâm cúng trả lễ: 188.000 VND/phần
  • Mâm cúng giải hạn: 160.000 VND/phần

Trình tự nghi lễ thường được thực hiện như sau:

  • Đặt lễ và dâng hương. Lưu ý mở nắp chai nước ngọt và cắm ống hút, sau đó để lên bệ thờ.
  • Đi vòng quanh tượng theo chiều kim đồng hồ, dừng lại tại từng mặt tượng để khấn nguyện điều tương ứng.
  • Thành tâm khấn nguyện với lời nguyện rõ ràng, mạch lạc.
  • Sau khi cúng thì mở nắp chai dầu ăn, đổ một ít vào hũ thuỷ tinh ở trước bàn.
  • Lưu ý giữ im lặng, ăn mặc trang nghiêm và không chụp ảnh quá gần khu vực thờ cúng

Lưu ý:

  • Vì vấn đề vệ sinh vào bảo quản trong chùa, bạn cũng có thể chỉ cúng dầu ăn mà không cần đổ nước ngọt.
  • Du khách vào các Phật điện và điện thờ nên bỏ giày dép bên ngoài để giữ sự trang nghiêm.
  • Tránh bước vào cửa chính giữa của Chánh điện, không dẫm lên bậu cửa khi ra vào chùa.
  • Du khách đến chiêm bái cần ăn mặc lịch sự, tránh các trang phục ngắn, hở hang hoặc kém gọn gàng.
  • Khi thắp nhang, chỉ nên cắm một nén vào bát nhang và không cắm nhang tuỳ tiện vào các nơi không đúng quy định.
  • Nếu cầu được như ý nguyện, du khách nên quay lại chùa để trả lễ.

Người dân và du khách đến chiêm bái, cầu nguyện tại Thần Tứ Diện thường chuẩn bị lễ vật cúng dường bao gồm chai nước ngọt màu đỏ

Người dân và du khách đến chiêm bái, cầu nguyện tại Thần Tứ Diện thường chuẩn bị lễ vật cúng dường bao gồm chai nước ngọt màu đỏ (Nguồn: Internet)

Khu vực tượng Bồ Tát Quan Âm cũng là một trong những nơi chiêm bái chính của ngôi chùa

Khu vực tượng Bồ Tát Quan Âm cũng là một trong những nơi chiêm bái chính của ngôi chùa (Nguồn: Internet)

Du khách vào điện thờ lưu ý tháo bỏ giày dép để thể hiện sự tôn nghiêm

Du khách vào điện thờ lưu ý tháo bỏ giày dép để thể hiện sự tôn nghiêm (Nguồn: Internet)

Tham gia lễ hội

Chùa 4 mặt cũng thường tổ chức nhiều nghi lễ và hoạt động tôn giáo quan trọng, thu hút đông đảo tín đồ và du khách, góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa tâm linh, nổi bật có thể kể tới:

  • Các ngày lễ vía Quan Thế Âm Bồ Tát như 19/02, 19/06 và 19/09 âm lịch. Chùa thường tổ chức bái Đại Bi Sám và trì tụng 21 biến chú Đại Bi.
  • Lễ Vu Lan: Diễn ra vào tháng 07 âm lịch, là dịp để tưởng nhớ công ơn cha mẹ, cầu nguyện và cúng dường, thể hiện lòng hiếu thảo theo truyền thống Phật giáo.
  • Lễ Phật Đản: Vào ngày này, chùa tổ chức các hoạt động cầu nguyện, tu tập và giảng đạo để tôn vinh công đức của Đức Phật.
  • Lễ Khai Đại Bảo Tháp: Ngày mở cửa và khánh thành Đại Bảo Tháp của chùa Sùng Chính. Đây là ngày trọng đại trong lịch sử của chùa với nhiều nghi lễ và hoạt động văn hóa.
  • Các ngày lễ Phật giáo khác của người Hoa như Đạo tràng bái sám, lễ tạ Chư Thiên (còn gọi là lễ tạ ơn công đức viên mãn), lễ tạ ơn cuối năm, lễ Thập Phương, v.v.
  • Các ngày cúng Thổ Địa Phònggiỗ tổ của các họ.
  • Tổ chức ngày hội và múa lân sư rồng vào dịp Tết Nguyên Đán.

Hoạt động từ thiện và nghi lễ thường nhật

Chùa Bốn Mặt không chỉ là nơi chiêm bái, hành lễ, mà còn là một trung tâm sinh hoạt cộng đồng, nơi các giá trị từ bi và phụng sự được thực hành mỗi ngày. Du khách đến đây có thể tham gia vào nhiều hoạt động thiết thực mang tinh thần Phật giáo:

  • Phục vụ cơm chay miễn phí vào buổi trưa các ngày mùng 1 và 15 âm lịch, dành cho tất cả mọi người đến viếng chùa
  • Tổ chức lễ cầu an, các khóa tu ngắn hạn, và buổi giảng pháp định kỳ, giúp Phật tử thực hành thiền, học Phật pháp và tìm sự an yên trong đời sống tinh thần
  • Hoạt động thiện nguyện, quyên góp và hỗ trợ người khó khăn vào các dịp lễ lớn như Tết Nguyên Đán, Vu Lan, rằm tháng Giêng, v.v.

Tham quan, chụp ảnh trong không gian thanh tịnh

Mặc dù thu hút nhiều người đến chiêm bái và tham quan, chùa Bốn Mặt vẫn giữ được không khí yên tĩnh, rất thích hợp để thư giãn, thiền định và chụp ảnh lưu niệm. Các điểm chụp ảnh lý tưởng bao gồm:

  • Cổng Tam Quan với mái ngói cổ cong vút
  • Tượng Quan Âm Bồ Tát giữa sân chùa
  • Hồ cá chép và các hành lang gỗ. Phụ huynh đi cùng con em nhỏ có thể mua hộp cám cho cá ăn tại chùa với giá 5.000 VND/hộp.
  • Chánh điện với các chi tiết chạm khắc truyền thống
  • Không gian về đêm lung linh với hệ thống đèn lồng và trang trí đẹp mắt.

Lưu ý: hãy giữ sự tôn nghiêm trong khi chụp ảnh, tránh tạo dáng phản cảm hoặc gây ảnh hưởng đến người khác đang hành lễ.

Hồ cá và cầu nhỏ ở khu vực trước chùa

Hồ cá và cầu nhỏ ở khu vực trước chùa (Nguồn: Internet)

Đây là điểm ngắm cảnh và thư giãn lý tưởng của nhiều du khách

Đây là điểm ngắm cảnh và thư giãn lý tưởng của nhiều du khách (Nguồn: Internet)

Một khu vực check-in dành cho du khách trong chùa

Một khu vực check-in dành cho du khách trong chùa (Nguồn: Internet)

Gợi ý 4+ điểm tham quan lân cận

Để có thêm trải nghiệm phong phú và trọn vẹn, du khách có thể kết hợp tham quan Chùa Bốn Mặt với một số địa điểm tâm linh và giải trí khác ở khu vực lân cận.

  • Chùa Quan Âm: Chùa Quan Âm thuộc hệ phái Bắc tông, được thành lập từ năm 1965, nổi tiếng với tượng Quan Thế Âm Bồ Tát linh ứng, thu hút đông đảo Phật tử đến lễ bái, cầu an, cầu siêu. Địa chỉ tại 140 Mễ Cốc, phường Phú Định (Quận 8 cũ).
  • Chùa Giác Quang:
  • Chùa Giác Quang là một trong những Tổ đình lâu đời tại TP.HCM, thuộc hệ phái Nguyên Thủy Nam tông, đóng vai trò quan trọng trong đào tạo chư Tăng. Không gian chùa trang nghiêm, cổ kính, là nơi thích hợp để tìm hiểu thêm về truyền thống tu học nghiêm cẩn. Địa chỉ tại 47 Lương Văn Can, phường Phú Định (Quận 8 cũ).
  • Công viên Vành Đai: Một không gian xanh mát phù hợp để tản bộ, thư giãn sau giờ chiêm bái. Công viên có khu vực vui chơi dành cho trẻ em, bãi cỏ rộng và các lối đi bộ yên tĩnh, rất thích hợp cho gia đình hoặc nhóm bạn kết hợp hành hương với nghỉ ngơi nhẹ nhàng. Địa chỉ tại đường Vành Đai, phường Bình Phú (Quận 8 cũ).
  • Công viên căn cứ Hố Bần: Đây là một điểm đến mang ý nghĩa lịch sử - giáo dục, gắn liền với truyền thống đấu tranh cách mạng tại địa phương. Vị trí toạ lạc gần cầu Hưng Phú, phường Chánh Hưng (Quận 8 cũ).

Sự kết hợp giữa kiến trúc Trung Hoa cổ kính, không gian linh thiêng và các hoạt động thiện nguyện thiết thực khiến chùa 4 mặt Quận 8 trở thành điểm dừng chân quen thuộc - không chỉ với Phật tử mà còn với mọi người dân tìm kiếm sự bình yên và hướng thiện trong đời sống thường nhật. Nếu bạn đang tìm một nơi để tĩnh tại giữa đô thị nhộn nhịp, hãy thử một lần đến ngôi chùa độc đáo này.