[2025] Diện mạo mới của phố đi bộ Trịnh Công Sơn: Nghệ thuật, lễ hội và trải nghiệm

Phố đi bộ Trịnh Công Sơn từng là một trong những điểm hẹn văn hóa - giải trí cuối tuần quen thuộc của người dân địa phương. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tuyến phố này đã dừng hoạt động theo mô hình phố đi bộ và đang được định hướng phát triển thành một không gian văn hóa cộng đồng mới, phù hợp với chiến lược phát triển đô thị bền vững và nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân Thủ đô.

1. Cập nhật thông tin phố đi bộ Trịnh Công Sơn 2025

Phố đi bộ Trịnh Công Sơn được khánh thành vào năm 2018, là một trong những tuyến phố đi bộ đầu tiên nằm ngoài khu vực phố cổ Hà Nội. Trong giai đoạn đầu, nơi đây tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực đường phố và là điểm hẹn cuối tuần của người dân địa phương.

Tuy nhiên, vào năm 2023, mô hình phố đi bộ truyền thống tại khu vực này đã chính thức dừng hoạt động. Thay vào đó, phố Trịnh Công Sơn được quy hoạch trở thành “Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ và vùng phụ cận”, tập trung phát triển các hoạt động nghệ thuật chuyên đề và sự kiện cộng đồng.

  • Khu vực bỏ rào chắn đường và các gian hàng ki-ốt.
  • Các tuyến đường dành cho người đi bộ được thay thế bằng những khu vực trưng bày sản phẩm do Việt Nam sản xuất, kết hợp với không gian mua sắm và trải nghiệm văn hóa mở rộng.
  • Khu vực sân khấu trung tâm trở thành điểm nhấn mới, là nơi tổ chức các chương trình ca nhạc, biểu diễn nghệ thuật, và sự kiện thể thao, văn hóa quy mô lớn.

Kể từ năm 2023, không gian văn hoá sáng tạo đã tổ chức hàng chục chương trình, sự kiện lớn nhỏ hàng năm, tiêu biểu như Lễ hội Sen Hà Nội 2024 và chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2024”, thu hút đông đảo người dân và du khách.

Phố đi bộ Trịnh Công Sơn trước đây

Phố đi bộ Trịnh Công Sơn trước đây (Nguồn: Internet)

Hiện nay, nơi này trở thành không gian văn hoá sáng tạo gắn liền với nhiều sự kiện văn hoá và hoạt động nghệ thuật

Hiện nay, nơi này trở thành không gian văn hoá sáng tạo gắn liền với nhiều sự kiện văn hoá và hoạt động nghệ thuật (Nguồn: Internet)

2. Giới thiệu không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ mới

2.1. Vị trí, giờ hoạt động

Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ và phụ cận tọa lạc tại ngõ 61, phố Trịnh Công Sơn, phường Nhật Tân, Hà Nội. Khu vực này trải dài từ ngõ 612 Lạc Long Quân, phố Trịnh Công Sơn, tuyến phố Vũ Tuấn Chiêu và kết thúc tại cuối đoạn đường đôi giữa hai hồ sen, cách hồ Tây thơ mộng khoảng 400m.

Thời gian hoạt động: Thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần. Miễn phí vé vào cửa

2.2. Đặc điểm nổi bật

Không gian văn hóa sáng tạo quận Tây Hồ được thiết kế với sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc truyền thống và hiện đại, tạo nên một điểm nhấn độc đáo ven Hồ Tây:

Vị trí đắc địa ven Hồ Tây mang lại tầm nhìn thoáng đãng và không khí trong lành.

Kiến trúc và cảnh quan: Khu vực được bố trí những tiểu cảnh, cây xanh và ghế đá, tạo nên không gian mở để tản bộ và nghỉ ngơi.

Không gian ngoài trời: Một số khu vực trong phố được trang trí bằng tranh tường, tượng đá và các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt. Những điểm nhấn này không chỉ làm đẹp cảnh quan mà còn tạo không gian chụp ảnh độc đáo cho giới trẻ và người yêu nghệ thuật.

Vị trí đắc địa của không gian văn hoá sáng tạo phố Trịnh Công Sơn

Vị trí đắc địa của không gian văn hoá sáng tạo phố Trịnh Công Sơn (Nguồn: Internet)

2.3. Hướng dẫn di chuyển

Dưới đây là các phương án di chuyển phổ biến, phù hợp với cả người dân nội thành và du khách đến từ xa.

  • Xe buýt:
  • Bắt các tuyến xe buýt 13, 60A hoặc E09 dừng tại Công viên nước Hồ Tây. Từ đây, bạn chỉ cần đi bộ khoảng 300m là đến khu vực sân khấu trung tâm của phố Trịnh Công Sơn.
  • Ngoài ra, các tuyến xe buýt 31, 55A, 55B, 58, 86, 86CT, 143 và 146 cũng có điểm dừng gần đó.
  • Xe máy, ô tô cá nhân: Từ trung tâm thành phố, bạn có thể di chuyển theo hướng đường Vành đai 1, sau đó rẽ vào phố Trịnh Công Sơn. Bạn có thể xuống tại điểm buýt số 523 trên đường Âu Cơ và đi bộ vào.
  • Taxi, xe ôm ông nghệ: Bắt xe trực tiếp trên đường hoặc đặt xe thông qua các ứng dụng gọi xe phổ biến.

Các điểm gửi xe quanh khu vực có giá từ 5.000 VND/lượt xe máy và từ 20.000 VND/lượt ô tô, bao gồm:

  • Bãi đỗ xe ở ngõ 612 Lạc Long Quân, đoạn giao với phố Vũ Tuấn Chiêu.
  • Khu vực đối diện chợ đồ cũ Tây Hồ.
  • Các bãi gửi xe tư nhân nhỏ lẻ xung quanh hoặc ngõ cạnh công viên nước Hồ Tây.

Lưu ý: Với xe ô tô, cần chú ý các biển báo giao thông mới trên các tuyến đường phân làn như Võ Chí Công hoặc Lạc Long Quân để tránh vi phạm dừng/đỗ.

3. Các Hoạt động nổi bật

3.1. Sự kiện theo mùa và lễ hội văn hóa

Không gian văn hóa Trịnh Công Sơn là địa điểm thường xuyên diễn ra các sự kiện, lễ hội lớn của quận Tây Hồ và thành phố Hà Nội. Hàng chục chương trình được tổ chức mỗi năm có tính sáng tạo cao, kết hợp yếu tố truyền thống với hiện đại, tạo nên sức hút đặc biệt, nổi bật có thể kể đến:

  • Lễ hội ánh sáng nghệ thuật Hà Nội - Rực rỡ Thăng Long trong đêm Giao thừa năm Giáp Thìn 2024: Trình diễn ánh sáng quy mô lớn chào năm mới
  • Chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2024 - Get on Hanoi 2024”: Trình diễn laser mapping và màn trình chiếu bằng 300 drone ánh sáng, tái hiện biểu tượng nổi bật của quận Tây Hồ.
  • Chương trình nghệ thuật bán thực cảnh “Du xuân khởi lộc” và khám phá không gian ẩm thực với 15 gian hàng giới thiệu tinh hoa ẩm thực Tây Hồ và Hà Nội.
  • Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024: Trưng bày và giới thiệu các sản phẩm từ sen, kết hợp gian hàng OCOP của các tỉnh miền núi phía Bắc
  • Chương trình "Lung linh Sắc Hoa”: Có phần trình diễn bộ sưu tập áo dài ấn tượng.

Sự kiện “Du lịch Hà Nội chào 2024

Sự kiện “Du lịch Hà Nội chào 2024 (Nguồn: Internet)

Trình diễn ánh sáng

Trình diễn ánh sáng (Nguồn: Internet)

Đêm diễn tại lễ hội Sen Hà Nội 2024

Đêm diễn tại lễ hội Sen Hà Nội 2024 (Nguồn: Internet)

Một gian hàng trưng bày trong khuôn khổ lễ hội sen Hà Nội 2024

Một gian hàng trưng bày trong khuôn khổ lễ hội sen Hà Nội 2024 (Nguồn: Internet)

Sự kiện chào mừng 70 năm giải phóng thủ đô

Sự kiện chào mừng 70 năm giải phóng thủ đô (Nguồn: Internet)

Sự kiện đêm hội trăng rằng

Sự kiện đêm hội trăng rằng (Nguồn: Internet)

3.2. Chương trình ca nhạc và nghệ thuật

Không gian văn hóa sáng tạo là một điểm đến văn hoá đa tầng, với nhiều nội dung trình diễn đa dạng, thu hút người dân và du khách ở mọi lứa tuổi:

  • Âm nhạc dân gian, hát quan họ, ca trù, v.v.
  • Chương trình ca nhạc trẻ, trình diễn acoustic, nhảy hiện đại, dành cho giới trẻ
  • Chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi

Đêm nhạc acoustic

Đêm nhạc acoustic (Nguồn: Internet)

Chương trình ca nhạc trẻ

Chương trình ca nhạc trẻ (Nguồn: Internet)

3.3. Các hoạt động văn hoá và không gian trải nghiệm

Trong tương lai, chính quyền địa phương có kế hoạch mở rộng không gian văn hoá gắn với các di tích lịch sử và nghề truyền thống đặc trưng của địa phương. Các dự án tiêu biểu đang được triển khai và nghiên cứu bao gồm:

  • Không gian trình diễn nghệ thuật truyền thống và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tại Phủ Tây Hồ - điểm tâm linh nổi tiếng bậc nhất Hà Nội.
  • Không gian trải nghiệm nghề làm giấy dó truyền thống tại khu vực làng Yên Thái xưa, kết hợp với đình Trích Sài, nhằm phục dựng và gìn giữ nghề xưa của đất Thăng Long.
  • Không gian văn hóa nghề xôi Phú Thượng, gắn với đình Phú Gia.
  • Đề án xây dựng công viên Sách Tây Hồ được đề xuất thực hiện tại khu vực vườn hoa Lý Tự Trọng, v.v.

Những định hướng này thể hiện nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc kết nối di sản với đời sống đương đại, góp phần đưa Tây Hồ trở thành một trong những trung tâm văn hóa sáng tạo phía Tây Thủ đô.

Chủ đề không gian Tết Trung thu xưa

Chủ đề không gian Tết Trung thu xưa (Nguồn: Internet)

Trải nghiệm hoạt động văn hoá tại không gian Tết Trung thu xưa

Trải nghiệm hoạt động văn hoá tại không gian Tết Trung thu xưa (Nguồn: Internet)

Không gian văn hoá nhân dịp lễ hội Sen Hà Nội

Không gian văn hoá nhân dịp lễ hội Sen Hà Nội (Nguồn: Internet)

Sự kiện đạp xe tại không gian văn hoá

Sự kiện đạp xe tại không gian văn hoá (Nguồn: Internet)

3.3. Thưởng thức ẩm thực

Dọc tuyến phố Trịnh Công Sơn và khu vực lân cận, du khách có thể bắt gặp các quầy hàng và quán nhỏ phục vụ món ngon đặc trưng của Tây Hồ nói riêng và Hà Nội nói chung:

  • Bánh tôm Hồ Tây: Lớp vỏ bánh chiên giòn bọc tôm tươi, ăn kèm rau sống và nước chấm pha chua ngọt.
  • Xôi chè Phú Thượng: Xôi nếp dẻo thơm, dùng kèm chè đỗ xanh hoặc chè bà cốt, đặc sản lâu đời của làng Phú Thượng.
  • Chè sen: Nước chè thanh mát, hạt sen bùi thơm, thường được nấu từ sen hồ Tây vào đúng mùa.
  • Giò chả, chả cá Xuân Đỉnh: Thớ giò mịn, thơm mùi thịt luộc kỹ; chả cá vàng ươm, đậm đà vị thì là.
  • Bánh cuốn Thanh Trì: Bánh mỏng tang, mềm mướt, nhân thịt mộc nhĩ, ăn cùng nước mắm ấm pha hành phi.
  • Cốm làng Vòng: Cốm dẻo thơm mùi lúa non, gói trong lá sen tươi, thường ăn với chuối chín hoặc làm quà biếu.

Trà sen Tây Hồ

Trà sen Tây Hồ (Nguồn: Internet)

Bánh tôm Hồ Tây

Bánh tôm Hồ Tây (Nguồn: Internet)

4. Lưu ý khi tham quan

Để có trải nghiệm tốt nhất khi ghé thăm không gian văn hóa sáng tạo tại phố Trịnh Công Sơn, bạn nên lưu ý một số điều sau:

  • Thời gian hoạt động: Không gian chủ yếu hoạt động vào thứ Bảy và Chủ nhật. Ngoài ra, bạn nên kiểm tra lịch sự kiện cụ thể trước khi đến để không bỏ lỡ các chương trình biểu diễn hoặc triển lãm đặc sắc.
  • Trang phục: Nên lựa chọn trang phục thoải mái, phù hợp cho việc đi bộ và tham quan. Nếu có ý định ghé thăm các địa điểm tâm linh như chùa, phủ, bạn nên mặc trang phục lịch sự, kín đáo.
  • Bảo vệ môi trường: Hãy giữ gìn vệ sinh chung, không xả rác bừa bãi để góp phần duy trì vẻ đẹp của không gian văn hóa và Hồ Tây.
  • An ninh trật tự: Giữ gìn tư trang cá nhân cẩn thận, đặc biệt là ở những nơi đông người.

5. Gợi ý 4+ điểm tham quan lân cận

Khi đến thăm không gian văn hóa sáng tạo tại phố Trịnh Công Sơn, bạn có thể dễ dàng kết hợp khám phá các điểm tham quan nổi tiếng khác trong khu vực Tây Hồ:

  • Chùa Trấn Quốc: Ngôi chùa cổ nhất Hà Nội, nằm trên bán đảo Kim Ngư ở phía Đông hồ Tây, nổi bật với tháp sen màu đỏ và không gian thanh tịnh, thích hợp để vãn cảnh và tìm chút bình yên giữa phố thị.
  • Phủ Tây Hồ: Nằm trên bán đảo Quảng An của hồ Tây, đây là nơi thờ Mẫu Liễu Hạnh - một trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng Việt Nam. Vào mỗi dịp đầu năm hay ngày rằm, phủ đón hàng nghìn lượt người đến dâng hương, cầu tài lộc và bình an.
  • Làng hoa Nhật Tân: Làng nghề nổi tiếng với hoa đào mỗi dịp Tết đến. Ngoài đào, làng còn trồng quất, cúc, thược dược, v.v. tạo nên khung cảnh rực rỡ, là điểm đến lý tưởng để chụp ảnh và trải nghiệm không khí Tết truyền thống của Hà Nội.
  • Công viên nước Hồ Tây: Khu vui chơi giải trí sôi động với nhiều trò chơi dưới nước và cảm giác mạnh. Rất phù hợp cho các nhóm bạn trẻ, gia đình có trẻ nhỏ muốn đổi gió vào những ngày hè oi ả.

Kết thúc chuyến tham quan không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ (phố đi bộ Trịnh Công Sơn cũ), du khách sẽ cảm nhận được một Hà Nội vừa yên bình, lãng mạn và đậm chất nghệ thuật. Không chỉ là điểm đến giải trí, nơi đây còn là không gian gìn giữ và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống, mang lại trải nghiệm khó quên cho bất kỳ ai ghé thăm. Nếu bạn đang tìm kiếm một nơi vừa thư giãn, vừa khám phá chiều sâu văn hóa thủ đô, hãy đưa địa điểm này vào hành trình sắp tới của mình!