Khám phá cầu Thê Húc - “Dải lụa đào” giữa lòng Thủ đô

Nằm duyên dáng như một dải lụa đỏ bắc qua mặt nước Hồ Gươm xanh biếc, cầu Thê Húc từ lâu đã trở thành biểu tượng văn hóa, lịch sử không thể thiếu của Hà Nội. Không chỉ nổi bật bởi vẻ đẹp cổ kính, cây cầu còn mang ý nghĩa phong thủy, tâm linh sâu sắc gắn liền với Đền Ngọc Sơn. Du khách đang lên kế hoạch khám phá Hà Nội chắc chắn không thể bỏ qua cây cầu son đặc sắc này.

1. Giới thiệu về cầu Thê Húc

Cầu Thê Húc thuộc quần thể di tích lịch sử tháp Bút và Đền Ngọc Sơn, phố Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tên gọi Thê Húc mang ý nghĩa là “giọt ánh sáng đậu lại”, hoặc “ngưng tụ hào quang”, “đón nắng mai”. Cái tên không chỉ mang ý nghĩa gợi tả vẻ đẹp của cây cầu son nằm trên mặt hồ mỗi hừng đông mà còn thể hiện ý nghĩa tâm linh, hướng về những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Cầu Thê Húc được xây vào năm 1865 dưới sự chủ trì của quan án sát Nguyễn Văn Siêu. Vốn dĩ trước đây, Hồ Hoàn Kiếm khi còn được gọi là Tả Vọng và Hữu Vọng thì lối đi đến đảo Ngọc giữa hồ là một chiếc cầu tre đơn sơ. Sau đó dưới triều vua Tự Đức, Nguyễn Văn Siêu khi được giao trọng trách tu bổ ngôi chùa trên đảo Ngọc đã quyết định bắc một cây cầu son qua sông.

Hình ảnh Cầu Thê Húc vào năm 1884

Hình ảnh Cầu Thê Húc vào năm 1884 (Nguồn: Internet)

Đến nay, cầu đã trải qua hai lần trùng tu, một lần vào năm 1897 vào thời Thành Thái và một lần vào năm 1952 sau khi một nhịp cầu bị gãy do quá tải vào đêm Giao thừa khi lượng người du xuân quá đông đúc. Đến nay, cầu đã được xây lại với các phần móng, dầm ngang dọc vẫn sử dụng xi măng chắc chắn nhưng phần mặt cầu và thành cầu vẫn giữ nguyên chất gỗ như kiến trúc năm xưa.

Cầu Thê Húc cây cầu có vị trí hướng về phía Đông nơi mặt trời mọc, đón nhận trọn vẹn nguồn ánh sáng và linh khí của trời đất. Màu đỏ sẫm của cầu tượng trưng cho sự sống, may mắn, hạnh phúc, chứa đựng cả một triết lý văn hóa sâu sắc về mong cầu phồn thịnh và bình an trong tâm thức người Hà Nội.

2. Cách di chuyển đến cầu Thê Húc

Cầu Thê Húc nằm ngay khu vực giữa Hồ Hoàn Kiếm, tại trung tâm phố cổ, nên rất dễ dàng di chuyển đến bằng nhiều phương tiện giao thông khác nhau như xe buýt; taxi hoặc xe ôm công nghệ; xe máy hoặc ô tô cá nhân.

  • Xe buýt: Đây là lựa chọn tiết kiệm và phổ biến với du khách muốn trải nghiệm Hà Nội theo phong cách địa phương. Một số tuyến xe buýt đi ngang khu vực Hồ Hoàn Kiếm gồm 02, 04, 42, 146 và CNG 03. Sau khi xuống tại các điểm dừng gần đó, bạn có thể đi bộ vài phút là đến cầu. Giá vé xe buýt có thể dao động từ 7.000 - 9.000 VND/lượt.
  • Taxi hoặc xe công nghệ: Nếu ở gần khu vực phố cổ, bạn có thể dễ dàng bắt xe taxi hoặc xe ôm để di chuyển đến khu vực cầu Thê Húc. Hiện nay, dịch vụ xe công nghệ tại Hà Nội rất phát triển nên bạn có thể dễ dàng bắt xe và tham khảo trước giá tiền trên ứng dụng.
  • Tự di chuyển bằng xe máy hoặc ô tô cá nhân: Bạn có thể đến cầu Thê Húc bằng xe cá nhân theo những lộ trình sau:
  • Xuất phát từ khu Giảng Võ, đi qua Nguyễn Thái Học, rẽ vào Hai Bà Trưng và tiếp tục đến Đinh Tiên Hoàng.
  • Xuất phát từ Khâm Thiên, di chuyển qua Trần Hưng Đạo, Hàng Bài, Đinh Tiên Hoàng.
  • Xuất phát và đi qua đường Đại Cồ Việt, di chuyển đến Phố Huế - Đinh Tiên Hoàng.

Do khu vực quanh Hồ Gươm cấm xe qua lại vào dịp cuối tuần, bạn nên tìm trước điểm gửi xe gần đó để tiếp tục đi bộ đến tham quan cầu Thê Húc và Đền Ngọc Sơn.

3. Kiến trúc cầu Thê Húc có gì đặc biệt?

Cầu Thê Húc sở hữu kiến trúc đặc biệt, thu hút du khách bởi sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật và ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Cầu gồm 15 nhịp và 32 cột gỗ tròn xếp thành 16 đôi, được xây dựng theo lối vòm cong mềm mại, bóng cầu soi xuống hồ tạo nên hình dáng như dải lụa son vắt ngang hồ.

Cầu Thê Húc có mặt cầu và thành lan can được sơn màu đỏ son thẫm, lan can cầu gồm những thanh gỗ đan chéo hình dấu nhân, vừa tạo sự đối xứng đẹp mắt vừa có ý nghĩa tăng sự vững chắc cho cầu. Cầu còn có chữ “Thê Húc” được thếp vàng trên lan can tạo điểm thẩm mỹ.

Về chất liệu, dù đã được gia cố, phần mặt và lan can cầu được giữ nguyên bằng gỗ. Các chuyên gia cho biết cấu trúc cầu lấy cảm hứng từ nhà gỗ xưa của người dân vùng châu thổ sông Hồng. Những loại gỗ từng được sử dụng là gỗ tứ quý, với trụ cầu làm bằng gỗ đinh, gỗ lim lâu năm; giữa cầu dùng những lớp lim, pha trộn gỗ sến và táu.

Cận cảnh kiến trúc đặc sắc của cầu Thê Húc

Cận cảnh kiến trúc đặc sắc của cầu Thê Húc (Nguồn: Internet)

Hình ảnh cầu Thê Húc từ trên cao nhìn xuống

Hình ảnh cầu Thê Húc từ trên cao nhìn xuống (Nguồn: Internet)

4. Mẹo tham quan cụm di tích Hồ Gươm - cầu Thê Húc - đền Ngọc Sơn

4.1. Đi vào sáng sớm hoặc chiều muộn để tránh đông và nắng gắt

Tùy vào thời điểm tham quan mà tại khu vực cầu Thê Húc sẽ có những điểm đặc sắc riêng mà bạn có thể tham khảo:

  • Ngày trong tuần: Lượng khách tham quan thường thưa hơn vào Thứ 2 đến Thứ 6, bạn có thể khám phá di tích một cách thoải mái, đỡ chen lấn và chụp ảnh dễ dàng hơn.
  • Cuối tuần: Từ tối Thứ 6 đến Chủ Nhật, khu vực Hồ Gươm có phố đi bộ cuối tuần thu hút rất đông người dân và du khách nên bạn sẽ được hòa mình vào không khí sôi động với các hoạt động nghệ thuật đường phố, trình diễn âm nhạc, trò chơi dân gian.

Khi đi tham quan, bạn cũng cần lưu ý lựa chọn thời điểm thích hợp trong ngày như:

  • Sáng sớm (07:00 – 09:00): Buổi sáng sớm thường không khí trong lành, nắng nhẹ chiếu lên mặt hồ và cầu Thê Húc khiến khung cảnh vô cùng thơ mộng. Đây cũng là thời điểm ít khách tham quan và trời vẫn chưa nắng gắt, thích hợp để tản bộ, chụp ảnh và thư giãn với không khí yên bình.
  • Chiều muộn (16:00 – 17:30): Đây là thời điểm ánh hoàng hôn phản chiếu xuống mặt hồ tạo nên khung cảnh thơ mộng, không khí cũng dịu mát hơn, thích hợp để ngắm cảnh và thư giãn.

Bạn có thể ghé thăm cầu Thê Húc vào sáng sớm khi trời còn chưa quá nắng

Bạn có thể ghé thăm cầu Thê Húc vào sáng sớm khi trời còn chưa quá nắng (Nguồn: Internet)

4.2. Trang phục phù hợp, mang theo vật dụng cần thiết

Để có chuẩn bị cho chuyến tham quan và thể hiện sự tôn trọng với không gian văn hóa lịch sử nơi đây, bạn nên lưu ý một số điều sau:

  • Vì Đền Ngọc Sơn là nơi thờ tự linh thiêng, bạn nên mặc quần áo kín đáo, che vai và dài qua đầu gối. Tránh mặc áo hai dây, váy ngắn hoặc quần quá ngắn.
  • Ưu tiên mang giày bệt, giày thể thao hoặc sandal để thuận tiện di chuyển, vì bạn sẽ phải đi bộ khá nhiều quanh khu vực hồ và trong khu di tích.
  • Vé vào Đền Ngọc Sơn hiện nay khoảng 30.000 VND/người lớn. Ngoài ra, bạn cũng nên chuẩn bị tiền lẻ để mua nước hoặc quà lưu niệm.
  • Cầu Thê Húc và Hồ Gươm có rất nhiều góc đẹp để chụp hình nên hãy chuẩn bị sạc dự phòng và đem theo máy ảnh nếu có để không bỏ lỡ khoảnh khắc nào.
  • Thời gian tham quan thường kéo dài nên bạn có thể chuẩn bị sẵn chai nước để giữ năng lượng, đặc biệt nếu đi vào mùa nắng.

Lựa chọn trang phục phù hợp khi tham quan di tích

Lựa chọn trang phục phù hợp khi tham quan di tích (Nguồn: Internet)

4.3. Gợi ý hành trình khám phá

1 - Dạo một vòng quanh Hồ Gươm đầu tiên

Khi đã đến được Hồ Gươm, bạn có thể chọn đi bộ hoặc xe điện, xích lô để dạo một vòng hồ, tận hưởng không khí mát lành và ngắm các công trình biểu tượng từ nhiều góc độ như Tháp Rùa lấp ló giữa hồ, Tháp Hòa Phong cổ kính, Tượng đài vua Lý Thái Tổ oai nghiêm giữa quảng trường.

Đi dạo quanh Hồ Gươm để trải nghiệm toàn vẹn không khí nơi đây

Đi dạo quanh Hồ Gươm để trải nghiệm toàn vẹn không khí nơi đây (Nguồn: Internet)

2 - Khám phá quần thể lối vào Đền Ngọc Sơn

Trước khi bước lên cầu Thê Húc, bạn sẽ bắt gặp hai công trình Tháp Bút độc đáo vươn cao như cây bút viết lên trời ba chữ “Tả Thanh Thiên”, bên cạnh là Đài Nghiên mang ý nghĩa như nghiên mực, là công trình tôn vinh tinh thần văn chương và truyền thống hiếu học.

Khi bước qua cầu Thê Húc, bạn nên đi thật chậm để cảm nhận sự uyển chuyển của cây cầu đỏ uốn cong trên mặt hồ, cũng như ngắm nhìn cổng đền và mặt Hồ Hoàn Kiếm thơ mộng. Tại đây, bạn có thể tìm nhiều góc “sống ảo” để chụp lại nhiều tấm ảnh nghệ thuật.

Đừng bỏ lỡ di tích Tháp Bút trên lối vào cầu Thê Húc

Đừng bỏ lỡ di tích Tháp Bút trên lối vào cầu Thê Húc (Nguồn: Internet)

3 - Tham quan bên trong Đền Ngọc Sơn:

  • Thắp hương chiêm bái tại khu điện chính, bày tỏ lòng thành kính với vị anh hùng dân tộc Đức Thánh Trần Hưng Đạo và vị thần chủ quản công danh phúc lộc Văn Xương Đế Quân.
  • Ngắm nhìn tiêu bản “Cụ Rùa”, hiện vật vô giá từng sống trong Hồ Gươm và được xem như chứng nhân gắn liền với truyền thuyết vua Lê trả gươm.
  • Tham quan Trấn Ba Đình ở phía sau đền, nơi có góc nhìn rộng, lý tưởng để ngắm toàn cảnh mặt hồ phẳng lặng và chiêm ngưỡng Tháp Rùa từ xa trong ánh nắng chiều.

Hãy khám phá trọn vẹn khu đền Ngọc Sơn với nhiều giá trị văn hóa lịch sử

Hãy khám phá trọn vẹn khu đền Ngọc Sơn với nhiều giá trị văn hóa lịch sử (Nguồn: Internet)

4 - Kết hợp với phố đi bộ

Phố đi bộ quanh Hồ Gươm sẽ bắt đầu nhộn nhịp từ tối thứ Sáu đến Chủ Nhật nên nếu bạn có dịp tham quan cầu Thê Húc vào cuối tuần, đừng vội rời đi khi trời chập tối. Hãy ở lại để được hòa mình vào dòng người tản bộ, nghe âm nhạc đường phố, xem múa dân gian, hoặc tham gia các trò chơi dân gian như ô ăn quan, nhảy dây, v.v. Đây chắc chắn sẽ là những trải nghiệm thư giãn đậm chất Hà Nội khiến bạn khó lòng quên.

Đừng bỏ lỡ phố đi bộ về đêm vào cuối tuần với nhiều hoạt động thú vị

Đừng bỏ lỡ phố đi bộ về đêm vào cuối tuần với nhiều hoạt động thú vị (Nguồn: Internet)

5 - Thưởng thức ẩm thực đặc trưng

  • Kem Tràng Tiền: Đây là món kem nổi tiếng gắn liền với nhiều thế hệ người trẻ tại thủ đô, kem có nhiều vị đa dạng để bạn có thể trải nghiệm.
  • Cà phê trứng: Món cà phê nổi tiếng không chỉ với du khách trong nước mà còn với bạn bè quốc tế, có thể thử thưởng thức tại những quán nổi tiếng như Cafe Giảng, Cafe Đinh gần với Hồ Hoàn Kiếm.
  • Nộm bò khô: Món ăn vặt hấp dẫn không thể thiếu trong hành trình ẩm thực của bạn tại phố cổ.

Đừng bỏ lỡ những đặc sản hấp dẫn quanh Hồ Hoàn Kiếm

Đừng bỏ lỡ những đặc sản hấp dẫn quanh Hồ Hoàn Kiếm (Nguồn: Internet)

Dù bạn đến đây vào buổi sớm hay chiều tà, cầu Thê Húc luôn hiện lên với vẻ đẹp vừa cổ kính vừa sống động. Kết hợp tham quan cầu cùng Tháp Bút, Đền Ngọc Sơn và phố đi bộ sẽ mang đến cho bạn một trải nghiệm “Hà Nội” trọn vẹn. Đừng quên tìm hiểu trước những thông tin hữu ích và lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ tại cầu Thê Húc trong chuyến đi của bạn.

Để đừng bỏ lỡ di tích cầu Thê Húc cùng nhiều điểm tham quan, đặc sản thú vị khác của thủ đô, bạn có thể tham khảo ngay những chuyến bay chất lượng đến Hà Nội từ Hãng hàng không Vietnam Airlines. Truy cập ngay tại vietnamairlines.com để khám phá và đặt vé cho chuyến bay đến Hà Nội của bạn với đa dạng khung giờ.