Sân bay Quốc tế Hồng Kông 2025: Hướng dẫn di chuyển, đường bay & tiện ích

Sân bay Quốc tế Hồng Kông là một trong những trung tâm hàng không chiến lược của châu Á, giữ vai trò cửa ngõ quan trọng kết nối khu vực với thế giới. Sân bay không chỉ gây ấn tượng bởi quy mô khổng lồ và thiết kế hiện đại, mà còn nổi bật với hệ thống dịch vụ tiện ích đồng bộ, trải nghiệm hành khách mượt mà và năng lực khai thác thuộc hàng cao nhất khu vực. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cái nhìn toàn diện và cập nhật nhất về sân bay Hồng Kông tính đến năm 2025.

1. Thông tin chung về sân bay

  • Tên sân bay: Sân bay Quốc tế Hồng Kông (Hồng Kông International Airport)
  • Mã sân bay:
    • Mã IATA: HKG.
    • Mã ICAO: VHHH
  • Địa chỉ: 1 Sky Plaza Rd, Chek Lap Kok, Hồng Kông
  • Khoảng cách đến trung tâm: 34km
  • Múi giờ: UTC+8
  • Loại sân bay: Sân bay dân dụng và thương mại

Sân bay Quốc tế Hồng Kông (HKIA), còn gọi là sân bay Chek Lap Kok (Xích Liệp Giáp), chính thức đi vào hoạt động từ năm 1998. Công trình được xây dựng trên một hòn đảo nhân tạo ngoài khơi được cải tạo từ khu vực đất biển, qua đó mở rộng diện tích lãnh thổ Hồng Kông thêm khoảng 1%.

HKIA ra đời nhằm thay thế sân bay Kai Tak cũ. Chỉ sau thời gian ngắn hoạt động, HKIA đã nhanh chóng phát triển thành một trong những trung tâm hàng không hiện đại và nhộn nhịp bậc nhất thế giới, phục vụ hàng triệu lượt khách mỗi năm và đóng vai trò cửa ngõ giao thương quan trọng của châu Á với thế giới.

Sân bay Quốc tế Hồng Kông

Sân bay Quốc tế Hồng Kông (Nguồn: Internet)

2. Quy mô sân bay

Sân bay Quốc tế Hồng Kông có tổng diện tích 1.905ha. Đây là nơi có một trong những tòa nhà nhà ga lớn nhất thế giới.

2.1. Đường băng và sân đỗ

Sân bay Quốc tế Hồng Kông hiện có 3 đường băng đang hoạt động. Tất cả đều được thiết kế đạt tiêu chuẩn loại F, đủ khả năng tiếp nhận các dòng máy bay thân rộng và kích thước lớn nhất, bao gồm cả Airbus A380:

  • Đường băng phía Bắc 07L/25R: 3.800m x 60m
  • Đường băng phía Nam 07R/25L: 3.800m x 60m
  • Đường băng trung tâm 07C/25C: 4.225m x 60m

Về sân đỗ, HKIA hiện có tổng cộng 172 vị trí đỗ máy bay, được phân chia rõ ràng theo mục đích sử dụng:

  • Khu đỗ gần nhà ga: 77 vị trí, thường dành cho các chuyến bay thương mại, thuận tiện cho hành khách lên xuống trực tiếp tại cổng.
  • Bãi đỗ xa: 42 vị trí, bố trí ngoài khu vực nhà ga, hành khách cần di chuyển bằng xe buýt chuyên dụng.
  • Bãi đỗ hàng hóa: 55 vị trí, phục vụ riêng cho các chuyến bay chở hàng.

Sân bay có 3 đường băng đang hoạt động, đủ khả năng tiếp nhận các dòng máy bay thân rộng và kích thước lớn nhất

Sân bay có 3 đường băng đang hoạt động, đủ khả năng tiếp nhận các dòng máy bay thân rộng và kích thước lớn nhất (Nguồn: Internet)

2.2. Nhà ga hành khách

Sân bay Quốc tế Hồng Kông (HKIA) đang vận hành một nhà ga hành khách chính là Terminal 1 (T1), kết hợp với các sảnh giữa và sảnh vệ tinh nhằm phục vụ nhu cầu khai thác ngày càng tăng. Ngoài ra, nhà ga Terminal 2 (T2) cũng đang được mở rộng với quy mô lớn, dự kiến sẽ nâng cao năng lực tiếp đón và phân luồng hành khách trong thời gian tới.

NHÀ GA T1

Với tổng diện tích 570.000m², nhà ga T1 hiện đóng vai trò trụ cột trong hoạt động khai thác tại sân bay Quốc tế Hồng Kông, có khả năng phục vụ lên đến 61 triệu hành khách mỗi năm.

Thông tin tổng quan:

  • Diện tích: 570.000m²
  • Số quầy check-in: 369 quầy thủ tục truyền thống và hơn 100 ki-ốt check-in tự động
  • Cổng lên máy bay: 77 cổng có cầu lên máy bay, 11 cổng là điểm tập trung

Cấu trúc nhà ga và các khu vực chính:

  • Tầng 1 và tầng 2: Khu văn phòng của các hãng hàng không, nơi điều hành các hoạt động kỹ thuật và khai thác bay.
  • Tầng 3: Nối liền với Trung tâm Thương mại Sân bay Chek Lap Kok, tập trung nhiều cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, quán cà phê và ngân hàng.
  • Tầng 4: Khu vực cổng lên máy bay và là nơi kết nối với bến phà hành khách (SkyPier) đến các thành phố ven biển Trung Quốc.
  • Tầng 5: Khu vực sảnh đến, nơi hành khách nhận hành lý, làm thủ tục hải quan.
  • Tầng 6: Phòng chờ khởi hành được thiết kế hình chữ Y.
  • Tầng 7: Sảnh khởi hành và làm thủ tục trước chuyến bay.
  • Tầng 8 (Mezzanine): Tầng lửng với các lựa chọn ẩm thực phong phú cùng không gian mở.

Một phần không gian bên trong nhà ga T1

Một phần không gian bên trong nhà ga T1 (Nguồn: Internet)

Ngoài các khu vực chính, ga T1 còn có 2 khu vực mở rộng là sảnh giữa và sảnh vệ tinh.

SẢNH GIỮA (MIDFIELD CONCOURSE)

Nằm ở phía tây của nhà ga T1, sảnh giữa chủ yếu dành phục vụ các máy bay thân rộng với công suất khai thác ước tính 10 triệu hành khách mỗi năm. Khu vực này được trang bị đầy đủ các dịch vụ như cửa hàng miễn thuế, phòng chờ đầy đủ tiện nghi. Hành khách từ ga T1 sẽ dùng hệ thống tàu điện tự động (APM - Automated People Mover) để đến sảnh giữa.

Tàu điện ngầm kết nối nhà ga T1 với sảnh giữa

Tàu điện ngầm kết nối nhà ga T1 với sảnh giữa (Nguồn: Internet)

SẢNH VỆ TINH (SATELLITE CONCOURSE)

Sảnh vệ tinh T1S là công trình mới được đưa vào khai thác nhằm phục vụ riêng các chuyến bay sử dụng máy bay thân hẹp với công suất ước tính 5 triệu hành khách mỗi năm. Sảnh được thiết kế gồm 2 tầng riêng biệt và bố trí 10 cầu dẫn lên máy bay. Hành khách từ ga T1 có thể đi bộ qua cầu Sky Bridge trong vòng 8 phút để đến sảnh vệ tinh.

Cầu Sky Bridge kết nối nhà ga T1 với sảnh vệ tinh

Cầu Sky Bridge kết nối nhà ga T1 với sảnh vệ tinh (Nguồn: Internet)

NHÀ GA T2:

Nhà ga T2 hiện đang tạm thời đóng cửa nhằm nâng cấp mở rộng với chi phí 12,9 tỷ HKD và sẽ mở cửa theo từng giai đoạn, dự kiến bắt đầu từ tháng 09/2025. Các hạng mục nâng cấp bao gồm:

  • Giai đoạn 1 (tháng 09/2025): Khai trương sảnh xe buýt trong nhà. Di dời quầy vé và điểm đón khách từ nhà ga T1 cùng một số bãi đỗ xe sang ga T2.
  • Giai đoạn 2 (đầu quý II/2026): Khai trương khu vực làm thủ tục (check-in) với 56 quầy.
  • Giai đoạn cuối (năm 2027): Mở cửa toàn bộ khu vực khởi hành của T2.

Theo kế hoạch, thiết kế nhà ga T2 gồm 6 tầng, kết nối với ga T1 bằng tàu điện nội bộ APM.

Phối cảnh dự án mở rộng nhà ga T2

Phối cảnh dự án mở rộng nhà ga T2 (Nguồn: Internet)

2.3. Dịch vụ và tiện ích nổi bật

Không chỉ là điểm vận chuyển, nhà ga T1 còn là nơi mang đến trải nghiệm tiện nghi và dễ chịu cho hành khách với hệ thống dịch vụ phong phú:

  • Mua sắm, ẩm thực: Khu SkyMart (Tầng 5) quy tụ hàng trăm cửa hàng miễn thuế và bán lẻ, từ thương hiệu cao cấp như Chanel, Hermès đến các thương hiệu bình dân; hơn 60 nhà hàng, quán cà phê và quầy ăn nhẹ phục vụ đa dạng ẩm thực Á - Âu.
  • Nghỉ ngơi, thư giãn: Khách sạn quá cảnh, phòng chờ sân bay, phòng tắm riêng, khu massage và dịch vụ ăn uống. Ngoài ra, tại gần cổng 20 và 23, còn có khu nghỉ công cộng và phòng tắm miễn phí cho hành khách.
  • Kết nối và hỗ trợ kỹ thuật số: Wi-Fi miễn phí phủ khắp nhà ga, cùng các trạm sạc thiết bị di động được bố trí ở nhiều vị trí thuận tiện.
  • Các tiện ích khác:
  • Máy ATM ngân hàng, quầy đổi tiền của Travelex và Global Exchange
  • Dịch vụ giữ hành lý
  • Phòng cho con bú
  • Phòng cầu nguyện và khu vực hút thuốc riêng
  • Văn phòng hỗ trợ hành khách bị thất lạc hành lý (Lost & Found) hoạt động 24/7

Khu vực trưng bày nghệ thuật và văn hoá của từng địa phương

Khu vực trưng bày nghệ thuật và văn hoá của từng địa phương (Nguồn: Internet)

Một phòng chờ trong sân bay

Một phòng chờ trong sân bay (Nguồn: Internet)

Một khu vực mua sắm miễn thuế

Một khu vực mua sắm miễn thuế (Nguồn: Internet)

Một khu vực ẩm thực trong sân bay

Một khu vực ẩm thực trong sân bay (Nguồn: Internet)

3. Danh sách đường bay khai khác 2025

3.1. Danh sách đường bay nội địa

Sân bay Quốc tế Hồng Kông (HKIA) là một Đặc khu hành chính của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tại sân bay có nhiều đường bay kết nối với hơn 50 điểm đến ở Trung Quốc Đại lục và Đài Loan:

Đài Loan: Đài Bắc - Đào Viên, Cao Hùng, Đài Trung, Hoa Liên

Trung Quốc:

  • Thủ đô Bắc Kinh: Thủ đô, Đại Hưng
  • Thượng Hải: Thượng Hải - Phố Đông, Thượng Hải - Hồng Kiều
  • Các thành phố miền Đông: Hàng Châu, Nam Kinh, Ôn Châu, Ninh Ba, Vô Tích, Nghĩa Ô, Thường Châu, Hợp Phì, Thanh Đảo, Tế Nam, Yên Đài, Lâm Nghi.
  • Miền Bắc và Đông Bắc: Thiên Tân, Đại Liên, Ngân Xuyên, Thái Nguyên, Thạch Gia Trang, Trường Xuân, Thẩm Dương, Cáp Nhĩ Tân, Hailar, Hohhot
  • Miền Trung và miền Tây: Trịnh Châu, Vũ Hán, Trùng Khánh, Thành Đô, Tây An, Quý Dương, Côn Minh, Lan Châu, Lhasa, Vận Thành, Đại Đồng, Ordos
  • Miền Nam - Tây Nam: Quảng Châu, Hải Khẩu, Tam Á, Lệ Giang, Tuyền Châu, Chu Sơn, Nghi Xương, Trương Gia Giới, Quế Lâm, Đại Lý, Từ Châu

3.2. Danh sách đường bay quốc tế đến Việt Nam

Dưới đây là danh sách các chặng bay phổ biến từ sân bay Quốc tế Hồng Kông đến Việt Nam do Vietnam Airlines khai thác:

Chặng bay

Loại đường bay

Giá vé một chiều tham khảo

Hồng Kông → TP. Hồ Chí Minh (HKG → SGN)

Bay thẳng

Từ 3.115.000 VND/chiều

Hồng Kông → Hà Nội (HKG → HAN)

Bay thẳng

Từ 3.115.000 VND/chiều

Hồng Kông → Đà Nẵng (HKG → DAD)

Quá cảnh

Từ 5.250.000 VND/chiều

Hồng Kông → Hải Phòng (HKG → HPH)

Quá cảnh

Từ 6.358.000 VND/chiều

Hồng Kông → Huế (HKG → HUI)

Quá cảnh

Từ 4.947.000 VND/chiều

Hồng Kông → Nha Trang (HKG → CXR)

Quá cảnh

Từ 4.947.000 VND/chiều

Hồng Kông → Phú Quốc (HKG → PQC)

Quá cảnh

Từ 4.947.000 VND/chiều

Lưu ý: Thông tin các chuyến bay được cập nhật đến tháng 07/2025. Du khách nên truy cập website Vietnam Airlines để cập nhật danh sách các đường bay mới nhất.

3.3. Danh sách đường bay quốc tế phổ biến khác

Sân bay Quốc tế Hồng Kông khai thác nhiều chặng bay quốc tế đến các khu vực lớn tại Châu Á, Châu Âu, Bắc Mỹ, và Châu Đại Dương. Dưới đây là một số điểm đến phổ biến:

Châu Á - Thái Bình Dương:

  • Nhật Bản: Tokyo (Narita, Haneda), Osaka (Kansai), Fukuoka, Nagoya, Sapporo
  • Hàn Quốc: Seoul (Incheon), Busan
  • Đông Nam Á: Bangkok (Suvarnabhumi), Phuket, Singapore (Changi), Kuala Lumpur, Penang, Jakarta, Denpasar (Bali), Manila, Cebu, Phnom Penh
  • Ấn Độ: Delhi, Mumbai, Bangalore
  • Trung Đông: Dubai, Abu Dhabi, Doha, Riyadh

Bắc Mỹ:

  • Hoa Kỳ: New York (JFK), Los Angeles, San Francisco, Chicago
  • Canada: Vancouver, Toronto

Châu Âu

  • Tây Âu: London (Heathrow), Paris (Charles de Gaulle), Frankfurt, Amsterdam, Zurich, Milan, Madrid
  • Bắc Âu: Helsinki

Châu Phi

  • Nam Phi: Johannesburg
  • Ethiopia: Addis Ababa

Sân bay Quốc tế Hồng Kông khai thác mạng lưới dày đặc với hàng loạt chuyến bay đến nhiều khu vực trên thế giới

Sân bay Quốc tế Hồng Kông khai thác mạng lưới dày đặc với hàng loạt chuyến bay đến nhiều khu vực trên thế giới (Nguồn: Internet)

4. Hướng dẫn di chuyển đi và đến sân bay

4.1. Di chuyển từ trung tâm thành phố đến sân bay

Du khách có thể lựa chọn nhiều phương tiện phù hợp về chi phí và thời gian để đi từ trung tâm ra sân bay:

Phương tiện

Hướng dẫn đặt xe và thời gian di chuyển

Chi phí tham khảo

Tàu tốc hành MTR (Airport Express)

Thời gian di chuyển: 12 - 24 phút.

Tàu chạy từ các ga Hồng Kông, Cửu Long, Thanh Y đến sân bay. Có thể mua vé tại ga hoặc đặt trước. Dùng thẻ Octopus để được ưu đãi.

105 - 115 HKD/chiều (350.000 - 384.000 VND/chiều)

Xe buýt công cộng

Thời gian di chuyển: 40 - 75 phút.

Các tuyến phổ biến gồm A11 (Tiêm Sa Thủy), A21 (Vịnh Đồng La, Loan Tử), N11, N21 (tuyến đêm). Thanh toán bằng thẻ Octopus hoặc tiền mặt.

33 - 49 HKD/chiều

(110.000 - 165.000 VND/chiều)

Taxi

Thời gian di chuyển: 30 - 60 phút.

Có thể đón tại các điểm trong thành phố hoặc đặt qua các ứng dụng gọi xe.

260 - 370 HKD/chiều

(866.000 - 1.233.000 VND/chiều)

Xe đưa đón riêng (Private Transfer)

Thời gian di chuyển: 30 - 60 phút.

Đặt trước thông qua khách sạn hoặc công ty lữ hành. Thường phù hợp với nhóm khách, gia đình có hành lý nhiều.

Từ 360 HKD/chiều (1.200.000 VND/chiều)

Xe đưa đón của khách sạn (Hotel Shuttle)

Thời gian di chuyển: 30 - 45 phút.

Một số khách sạn cao cấp có cung cấp xe limousine, xe buýt riêng. Cần liên hệ đặt trước với khách sạn hoặc qua công ty du lịch.

500 - 1.000 HKD/chiều

(1.665.000 - 3.332.000 VND/chiều)

Phà cao tốc SkyPier

Thời gian di chuyển: 30 phút - 90 phút.

Chỉ dành cho hành khách quá cảnh chuyến bay quốc tế đến từ các điểm thuộc Trung Quốc, không cần làm thủ tục nhập cảnh.

198 - 430 HKD/chiều

(660.000 - 1.433.000 VND/chiều)

4.2. Di chuyển từ sân bay về các điểm tại thành phố

Ngay sau khi đến sân bay, hành khách có thể lựa chọn các phương tiện sau để nhanh chóng di chuyển về trung tâm:

Phương tiện

Hướng dẫn đặt xe và thời gian di chuyển

Chi phí tham khảo

Tàu tốc hành MTR (Airport Express)

Thời gian di chuyển: 12 - 24 phút

Khởi hành từ sân bay đến các ga Hồng Kông, Cửu Long, Thanh Y. Tàu hoạt động từ 05:54 đến 00:48, mỗi 10 phút có một chuyến.

105 - 115 HKD/chiều (350.000 - 384.000 VND/chiều)

Xe buýt công cộng

Thời gian di chuyển: 40 - 75 phút.

Các tuyến phổ biến: A11, A21, N11, N21. Điểm đón tại khu vực xe buýt bên ngoài nhà ga.

33 - 49 HKD/chiều

(110.000 - 165.000 VND/chiều)

Taxi

Thời gian di chuyển: 30 - 60 phút.

Đón tại bến đỗ tã khu vực dành riêng bên ngoài sảnh đến của nhà ga T1.

260 - 370 HKD/chiều

(866.000 - 1.233.000 VND/chiều)

Thuê xe tự lái

Thời gian di chuyển: 30 - 60 phút.

Nên đặt trước khoảng 1 tuần trên trang web của các hãng cho thuê xe.

Cách đến điểm nhận xe:

  • Đi tàu MTR đến Ga Cửu Long, hầu hết đơn vị cho thuê xe có văn phòng quanh khu vực này.
  • Một số đơn vị cung cấp dịch vụ đưa đón từ sân bay tới điểm nhận xe.

400 - 4.0000 HKD/ngày (1.333.000 - 13.333.000 VND/ngày)

Xe đưa đón riêng (Private Transfer)

Thời gian di chuyển: 30 - 60 phút.

Tài xế chờ tại khu Pagin Area, sảnh đến ga T1. Dịch vụ cần đặt trước qua khách sạn hoặc công ty du lịch.

Từ 360 HKD/chiều (1.200.000 VND/chiều)

Xe buýt sân bay (Airport Shuttle Bus)

Thời gian di chuyển: 30 - 45 phút.

Mua vé tại quầy A14, sảnh đến ga T1. Chỉ phục vụ một chiều từ sân bay đến khách sạn, không có chiều ngược lại.

Từ 119 HKD/chiều (396.000 VND/chiều)

Phà cao tốc SkyPier

Thời gian di chuyển: 30 phút - 90 phút.

Chỉ dành cho hành khách quá cảnh chuyến bay quốc tế đến các điểm thuộc Trung Quốc, không cần làm thủ tục nhập cảnh.

Mua vé phà tại quầy ở khu vực trung chuyển E2 thuộc nhà ga T1.

198 - 430 HKD/chiều

(660.000 - 1.433.000 VND/chiều)

àu tốc hành là phương tiện nhanh và thuận tiện để đến sân bay

Tàu tốc hành là phương tiện nhanh và thuận tiện để đến sân bay (Nguồn: Internet)

Hành khách quá cảnh chuyến bay quốc tế đi/đến từ Trung Quốc có thể di chuyển bằng phà SkyPier

Hành khách quá cảnh chuyến bay quốc tế đi/đến từ Trung Quốc có thể di chuyển bằng phà SkyPier (Nguồn: Internet)

5. Lưu ý khi xuất phát/hạ cánh tới sân bay

Khi xuất phát hoặc hạ cánh tại Sân bay Quốc tế Hồng Kông (HKIA), bạn cần lưu ý một số thông tin quan trọng để đảm bảo hành trình suôn sẻ và tiện lợi.

5.1. Lưu khi trước khi chuyến bay cất cánh

Thời gian đến sân bay: Bạn nên có mặt tại sân bay ít nhất 3 giờ trước giờ khởi hành, đặc biệt trong giờ cao điểm hoặc nếu mang nhiều hành lý.

  • Quầy check-in tự động sẽ đóng 75 phút trước giờ bay.
  • Quầy check-in truyền thống đóng 60 phút trước giờ bay.
  • Cổng lên máy bay đóng 30 phút trước giờ bay.

Làm thủ tục nhanh hơn với công nghệ sinh trắc học:

HKIA khuyến khích hành khách sử dụng ki-ốt tự phục vụ để làm thủ tục, sau đó gửi hành lý tại máy tự động. Bạn cũng có thể đăng ký khuôn mặt tại điểm kiểm tra an ninh để qua cổng lên máy bay không cần xuất trình thẻ lên máy bay hay hộ chiếu.

Quy định về hành lý:

Mỗi hãng hàng không có chính sách hành lý riêng. Bạn nên kiểm tra trước về kích thước hành lý xách tay và hạn mức ký gửi trên website của hãng để tránh phát sinh chi phí tại quầy.

5.2. Lưu ý khi hạ cánh tại sân bay

Nhập cảnh:

  • Công dân Việt Nam bắt buộc phải có visa để nhập cảnh vào Hồng Kông, ngay cả khi chỉ quá cảnh và không rời khu vực quá cảnh, trừ trường hợp mang hộ chiếu ngoại giao hoặc công vụ (được miễn visa tối đa 14 ngày).
  • Hộ chiếu cần còn hạn ít nhất 1 tháng sau ngày dự kiến rời khỏi Hồng Kông và phải có ít nhất một trang trống.
  • Công dân Việt Nam không được sử dụng cổng E-Channel, nên cần xếp hàng tại quầy nhập cảnh truyền thống.

Nhận hành lý: Sau khi nhập cảnh, bạn sẽ đến khu vực nhận hành lý. Nhân viên có thể kiểm tra thẻ hành lý để đảm bảo đúng chủ sở hữu.

Hải quan:

  • Nếu có hàng hóa cần khai báo, hãy đến quầy màu đỏ; nếu không, đi theo lối màu xanh lá cây.
  • Lưu ý quan trọng: CBD (Cannabidiol) bị cấm hoàn toàn tại Hồng Kông, mọi sản phẩm chứa CBD đều được xem là ma túy nguy hiểm.

Xử lý hành lý chậm trễ hoặc thất lạc:

  • Nếu không thấy hành lý, bạn cần đến các quầy giải đáp hành lý gần băng chuyền (hoạt động từ 07:00 - 24:00 hàng ngày), xuất trình thẻ hành lý, thẻ lên máy bay và giấy tờ tùy thân để lập báo cáo thất lạc (PIR).
  • Nếu hành lý bị mất (không tìm thấy sau 14 - 21 ngày) hoặc bị hư hỏng (báo trong vòng 7 ngày), bạn có quyền yêu cầu bồi thường.

Các dịch vụ tiện ích khác tại sân bay:

  • Đổi tiền và rút tiền: Có nhiều quầy đổi ngoại tệ như Travelex, Global Exchange, Bank of China, cùng hệ thống ATM tại Terminal 1 và SkyPier.
  • SIM và Wi-Fi di động: Bạn có thể mua SIM nội địa hoặc thuê thiết bị Wi-Fi bỏ túi tại các cửa hàng như 7-Eleven, 1010, China Mobile, RELAY hoặc các quầy Travelex trong sảnh đến.

Hành khách nên sử dụng ki-ốt tự động để làm thủ tục nhanh chóng

Hành khách nên sử dụng ki-ốt tự động để làm thủ tục nhanh chóng (Nguồn: Internet)

6. Câu hỏi thường gặp về sân bay

1. Tôi có thể xem bản đồ sân bay ở đâu?

Bạn có thể xem bản đồ nhà ga trực tiếp bằng các cách sau:

  • Truy cập trang Bản đồ Mạng Đường Bay của Vietnam Airlines, nhấp chọn sân bay Quốc tế Hồng Kông tại khu vực Đông Bắc Á.
  • Truy cập trang web chính thức của sân bay Quốc tế Hồng Kông.
  • Tải ứng dụng My HKG về thiết bị di động với chức năng điều hướng theo thời gian thực.

Với bản đồ chi tiết, bạn sẽ dễ dàng tìm cổng khởi hành, khu mua sắm, phòng chờ, và các tiện ích khác.

2. Tôi có cần visa để nhập cảnh Hồng Kông không?

Theo quy định cập nhật từ ngày 01/07/2025, công dân Việt Nam phải có visa để nhập cảnh vào Hồng Kông, ngay cả trong trường hợp chỉ quá cảnh bằng đường hàng không và không rời khỏi khu vực quá cảnh.

Miễn visa chỉ áp dụng cho người mang hộ chiếu ngoại giao hoặc công vụ, với thời gian lưu trú không quá 14 ngày.

3. Làm thế nào để di chuyển từ sân bay về trung tâm thành phố?

Bạn có nhiều lựa chọn phương tiện tùy theo nhu cầu và ngân sách:

  • Airport Express: Tuyến tàu nhanh và thuận tiện nhất, mất khoảng 24 phút để đến Ga Hồng Kông.
  • Xe buýt công cộng: Phù hợp cho người cần tiết kiệm chi phí. Thời gian di chuyển từ 40 đến 60 phút.
  • Taxi: Phù hợp nếu bạn mang nhiều hành lý hoặc cần đến thẳng khách sạn. Thời gian di chuyển từ 30 đến 60 phút.
  • Dịch vụ đưa đón riêng: Dành cho hành khách muốn trải nghiệm dịch vụ cao cấp, thời gian tương đương taxi, giá thay đổi theo loại xe và đơn vị cung cấp.

4. Có những khu vực nghỉ ngơi nào tại HKG trong thời gian quá cảnh?

Sân bay Hồng Kông có nhiều lựa chọn nghỉ ngơi phù hợp cho hành khách quá cảnh:

  • Phòng chờ sân bay: Gồm phòng chờ của các hãng hàng không, Plaza Premium Lounge, và phòng chờ VIP của sân bay, với đầy đủ tiện nghi từ ghế ngả, phòng tắm, đồ ăn nhẹ đến không gian yên tĩnh làm việc.
  • Khu vực nghỉ miễn phí:
  • Các khu ghế ngồi yên tĩnh nằm gần cổng 20, 23
  • Phía sau cổng 44
  • Khu vực gần cổng 212 và 214 ở Sảnh giữa.
  • Một số hành khách còn sử dụng chăn du lịch để chợp mắt tại không gian xung quanh trụ cột số 8 ở sảnh khởi hành.
  • Khách sạn quá cảnh: Nằm tại Tầng 5, khách sạn quá cảnh cung cấp phòng nghỉ ngắn giờ (từ 7:00 đến 23:00), có thể dễ dàng tiếp cận qua cầu kết nối từ nhà ga T1.

Với vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng hiện đại và mạng lưới đường bay phủ khắp toàn cầu, sân bay Quốc tế Hồng Kông không chỉ là điểm trung chuyển quan trọng mà còn là nơi bắt đầu cho những hành trình đáng nhớ. Từ trải nghiệm mua sắm miễn thuế phong phú đến các tiện ích nghỉ ngơi chất lượng, từ thủ tục thông minh đến kết nối giao thông thuận tiện, HKIA luôn không ngừng đổi mới để mang lại sự thuận lợi và thoải mái tối đa cho mọi hành khách.