TRỢ GIÚP
ĐĂNG NHẬP
ĐĂNG KÝ
Đăng nhập
Quốc gia/Vùng
Ngôn ngữ
Các sân bay ở Việt Nam đến tính đến năm 2025 có 22 sân bay đang khai thác hoạt động bay dân sự, trong đó có 12 sân bay quốc tế và 11 sân bay nội địa, phục vụ hàng triệu lượt khách mỗi năm. Ngoài ra, cả nước còn có khoảng 10 sân bay quân sự, sẵn sàng phục vụ mục đích quốc phòng khi cần thiết.
Sân bay quốc tế là sân bay có các chuyến bay kết nối trực tiếp giữa Việt Nam và các quốc gia khác. Những sân bay này được trang bị hệ thống hải quan, xuất nhập cảnh và kiểm dịch đầy đủ để phục vụ hành khách quốc tế.
Danh sách sân bay quốc tế ở Việt Nam
Sân bay
Mã ICAO/IATA
Tỉnh/Thành phố
Sân bay quốc tế Cần Thơ
VVCT/VCA
Thành phố Cần Thơ
Sân bay quốc tế Đà Nẵng
VVDN/DAD
Thành phố Đà Nẵng
Sân bay quốc tế Cát Bi
VVCI/HPH
Thành phố Hải Phòng
Sân bay quốc tế Nội Bài
VVNB/HAN
Thủ đô Hà Nội
Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất
VVTS/SGN
Thành phố Hồ Chí Minh
Sân bay quốc tế Cam Ranh
VVCR/CXR
Tỉnh Khánh Hòa
Sân bay quốc tế Phú Quốc
VVPQ/PQC
Tỉnh An Giang
Sân bay quốc tế Liên Khương
VVDL/DLI
Tỉnh Lâm Đồng
Sân bay quốc tế Vinh
VVVH/VII
Tỉnh Nghệ An
Sân bay quốc tế Phú Bài
VVPB/HUI
Thành phố Huế
Sân bay quốc tế Vân Đồn
VVVD/VDO
Tình Quảng Ninh
Sân bay quốc tế Nội Bài là cảng hàng không quốc tế lớn nhất miền Bắc Việt Nam, đóng vai trò cửa ngõ hàng không chính của Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận phía Bắc. Đây cũng là một trong ba sân bay có lưu lượng khách lớn nhất cả nước, bên cạnh Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng. Sân bay quốc tế Nội Bài 5 lần liên tiếp có mặt trong “Top 100 Sân bay tốt nhất thế giới” do SKYTRAX công bố, từ năm 2016 - 2020.
Sân bay quốc tế Nội Bài là sân bay lớn nhất khu vực miền Bắc (Nguồn: Internet)
Hiện tại, sân bay quốc tế Nội Bài có sự hiện diện của 5 hãng hàng không nội địa và 22 hãng hàng không quốc tế đang khai thác các chuyến bay thường lệ. Với hai đường băng song song dài tới 3.800m, sân bay có thể tiếp nhận hầu hết các loại máy bay thương mại. Nội Bài cũng là điểm trung chuyển quan trọng cho các chuyến bay chở hàng và chuyên cơ ngoại giao, cùng hệ thống an ninh chuyên biệt cho các chuyến công du cấp cao.
Từ Nội Bài, hành khách có thể dễ dàng bay tới nhiều thành phố lớn trong nước như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Huế, v.v. Ở quốc tế, sân bay khai thác nhiều chuyến bay đến các quốc gia nổi bật như Hàn Quốc (Seoul, Busan), Nhật Bản (Tokyo, Osaka), Trung Quốc (Bắc Kinh, Quảng Châu, Thượng Hải), Singapore, Thái Lan, Malaysia. Một số tuyến bay thẳng tới Châu Âu như Đức (Frankfurt), Pháp (Paris).
Sân bay quốc tế Nội Bài khai thác 2 nhà ga với khoảng 30.000 hành khách và 230 lượt cất hạ cánh trong ngày cao điểm (Nguồn: Internet)
Là sân bay quốc tế lớn nhất cả nước, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là đầu mối giao thông quan trọng, kết nối thành phố Hồ Chí Minh với các trung tâm kinh tế, du lịch trong và ngoài nước. Hệ thống dịch vụ tại sân bay được đầu tư hiện đại, tiện nghi, phục vụ đa dạng nhu cầu từ khách cá nhân đến thương nhân và khách quá cảnh.
Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là sân bay lớn nhất cả nước về cả diện tích và sản lượng khai thác (Nguồn: Internet)
Hiện có 6 hãng hàng không nội địa và 45 hãng hàng không quốc tế đang khai thác đường bay đến Tân Sơn Nhất. Sân bay có hai đường băng song song, tuy nhiên vì cách nhau 365m nên chỉ có thể cất/hạ cánh lần lượt. Nhà ga quốc tế có tới 10 cầu ống lồng hiện đại, tiếp nhận được cả những dòng máy bay thân rộng như Boeing 787, A350, Airbus A380, v.v.
Từ Tân Sơn Nhất, hành khách có thể di chuyển đến hầu hết các điểm đến nội địa như Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Phú Quốc, v.v. Về quốc tế, sân bay khai thác nhiều chuyến bay đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Úc, Đức, Pháp, v.v..
Là cửa ngõ hàng không chiến lược của Hải Phòng và vùng duyên hải Bắc Bộ, sân bay quốc tế Cát Bi không chỉ phục vụ phát triển du lịch và kinh tế vùng mà còn đóng vai trò sân bay dự bị chiến lược cho Nội Bài. Hạ tầng sân bay hiện đại, vận hành linh hoạt, phù hợp với điều kiện phát triển đô thị biển Hải Phòng.
Sân bay quốc tế Cát Bi là cảng hàng không hiện đại của Hải Phòng, phục vụ cả chuyến bay nội địa và quốc tế (Nguồn: Internet)
Sân bay quốc tế Cát Bi có 2 đường băng, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cho các dòng máy bay hiện đại. Hiện tại, sân bay khai thác 36 - 40 lượt chuyến bay mỗi ngày, phục vụ ổn định cho các tuyến nội địa lẫn quốc tế, với dịch vụ hàng không ngày càng được mở rộng.
Từ sân bay quốc tế Cát Bi, hành khách có thể bay đến nhiều thành phố lớn trong nước như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phú Quốc, Đà Lạt v.v. Ngoài ra, sân bay cũng khai thác các chuyến bay quốc tế đến Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, kết nối Hải Phòng với khu vực châu Á.
Là cảng hàng không tư nhân đầu tiên tại Việt Nam, Vân Đồn sở hữu vị trí giao thương chiến lược, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và du lịch khu vực. Tháng 11/2020, sân bay quốc tế Vân Đồn vinh dự khi nhận 3 giải thưởng từ "Oscar" của ngành du lịch World Travel Awards, gồm: "Sân bay khu vực hàng đầu thế giới 2020", "Sân bay khu vực hàng đầu châu Á 2020" và "Sân bay có hệ thống phòng chờ thương gia hàng đầu châu Á 2020".
Sân bay quốc tế Vân Đồn là cảng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam, có vị trí giao thương chiến lược tại khu vực phía Bắc (Nguồn: Internet)
Sân bay được trang bị cơ sở vật chất tiên tiến, đủ khả năng đón các loại máy bay hiện đại. Tầng 1 của nhà ga phục vụ khách đến, với khu vực trả hành lý, kiểm tra hộ chiếu và khu đón người thân. Tầng 2 phục vụ khách đi, gồm quầy check-in, soi chiếu an ninh, phòng chờ, nhà hàng và các tiện ích thương mại. Với thiết kế thông minh và không gian rộng thoáng, sân bay mang đến trải nghiệm chuyên nghiệp và thuận tiện cho hành khách.
Từ Vân Đồn, hành khách có thể bay đến thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Phú Quốc. Sân bay cũng đã mở rộng khai thác quốc tế với các tuyến đến Thâm Quyến, Hồ Nam (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), góp phần đưa Quảng Ninh ra thế giới.
Sân bay quốc tế Vinh là cửa ngõ hàng không chiến lược của khu vực Bắc Trung Bộ, phục vụ chính cho thành phố Vinh và các tỉnh lân cận như Hà Tĩnh, Quảng Trị. Nhờ vị trí nằm giữa trục Bắc - Nam, sân bay giữ vai trò quan trọng trong việc kết nối trung chuyển hàng không nội địa và từng bước mở rộng ra quốc tế.
Từ ngày 01/07/2025, sân bay tạm thời đóng cửa để sửa chữa, nâng cấp, dự kiến hoạt động trở lại từ 01/01/2026. Trước đó, sân bay phục vụ nhiều chuyến bay nội địa như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột và một số chuyến bay quốc tế có điểm dừng đến từ Thái Lan, Lào, Hàn Quốc.
Sân bay quốc tế Phú Bài là cửa ngõ hàng không quan trọng của Cố đô Huế, giúp kết nối du lịch di sản miền Trung với các trung tâm kinh tế - văn hóa trong và ngoài nước. Với kiến trúc mang dấu ấn cung đình Huế, mới đây, Nhà ga hành khách T2 đã đoạt giải vàng hạng mục công trình kiến trúc đặc biệt và giải thưởng "Vì sự phát triển kiến trúc".
Sân bay nằm ở vị trí chiến lược cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch của Huế và khu vực miền Bắc, miền Trung Việt Nam (Nguồn: Internet)
Nhà ga T1 đang được tiến hàng sửa chữa và nâng cấp toàn diện nhằm mang đến trải nghiệm bay hiện đại và tiện nghi hơn trong tương lai. Hiện có 4 hãng hàng không nội địa đang khai thác đường bay đến Huế, đón và trả khách tại nhà ga T2. Các chặng nội địa của sân bay gồm Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Hải Phòng, Đà Lạt. Ngoài ra, các đường bay quốc tế đến Huế từ Bắc Kinh, Osaka, Bangkok, Đài Bắc, Bali, v.v được khai thác.
Là sân bay lớn thứ ba của Việt Nam, sau Tân Sơn Nhất và Nội Bài, sân bay quốc tế Đà Nẵng đóng vai trò trung tâm hàng không chiến lược của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Với vị trí địa lý thuận lợi, đây là điểm trung chuyển quan trọng kết nối các thành phố lớn trong nước và quốc tế. Đặc biệt, sân bay giúp rút ngắn hành trình từ Đà Nẵng đến các quốc gia châu Á, góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa, thương mại và phát triển du lịch quốc tế.
Sân bay quốc tế Đà Nẵng là cảng hàng không lớn thứ ba tại Việt Nam (Nguồn: Internet)
Sân bay quốc tế Đà Nẵng có 5 hãng hàng không nội địa và 38 hãng hàng không quốc tế đang khai thác. Hạ tầng kỹ thuật của sân bay được đánh giá hiện đại hàng đầu khu vực, đủ điều kiện phục vụ các loại máy bay thương mại cỡ lớn trong mọi điều kiện thời tiết. Năm 2015, sân bay được xếp hạng Top 30 sân bay tốt nhất châu Á và đến năm 2019, nhà ga quốc tế T2 đạt chuẩn 4 sao SKYTRAX.
Từ Đà Nẵng, hành khách có thể bay nội địa đến Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc, v.v. và quốc tế tới các thành phố lớn như Seoul (Incheon), Tokyo (Narita), Singapore (Changi), Bangkok (Suvarnabhumi), Doha, New Delhi, Hồng Kông, v.v. Các chuyến bay này giúp rút ngắn hành trình đến châu Âu, Mỹ và các khu vực khác thông qua kết nối trung chuyển thuận tiện.
Sân bay quốc tế Liên Khương là cảng hàng không quốc tế duy nhất và lớn nhất vùng Tây Nguyên, đóng vai trò chiến lược trong phát triển du lịch và kinh tế Lâm Đồng. Với thiết kế mang đậm bản sắc Đà Lạt, nhà ga hiện đại, thân thiện và dễ nhận diện, đây là điểm đến ấn tượng cho du khách trong nước và quốc tế.
Sân bay Liên Khương là sân bay quốc tế lớn nhất khu vực Tây Nguyên (Nguồn: Internet)
UBND tỉnh Lâm Đồng và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) dự kiến tạm đóng cửa sân bay Liên Khương để nâng cấp đường băng, đường lăn, tuy nhiên chưa ấn định ngày cụ thể. Liên Khương đang khai thác nhiều đường bay nội địa như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, v.v và một số tuyến bay quốc tế đến Busan (Hàn Quốc), Singapore, Bangkok (Thái Lan), Bali và Jakarta (Indonesia), góp phần kết nối cao nguyên Lâm Viên với khu vực và thế giới.
Là một trong những sân bay có diện tích lớn nhất Việt Nam, sân bay quốc tế Cam Ranh đóng vai trò then chốt trong việc kết nối du lịch Khánh Hòa với thị trường quốc tế. Nhà ga T2 được đầu tư hiện đại, từng đạt giải “Top 10 sân bay sạch nhất thế giới”, bình chọn bởi SKYTRAX vào năm 2025, tạo ấn tượng mạnh mẽ với hành khách nhờ dịch vụ chất lượng cao và thiết kế thân thiện.
Sân bay quốc tế Cam Ranh mở rộng diện tích lên 2 nhà ga, phục vụ công suất tối đa cho khách du lịch trong và ngoài nước (Nguồn: Internet)
Sân bay Cam Ranh có quy mô khai thác lớn, với lượng khách quốc tế từng chiếm tới 70% tổng lượt khách - mức cao nhất cả nước. Đây là sân bay duy nhất ở Việt Nam có số khách nước ngoài vượt khách nội địa. Hoạt động khai thác ổn định và luôn nằm trong nhóm 4 sân bay nhộn nhịp nhất cả nước.
Từ sân bay quốc tế Cam Ranh, hành khách có thể bay tới các thành phố lớn trong nước như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng. Ngoài ra, sân bay khai thác các đường bay quốc tế thường xuyên đến Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, đặc biệt trong mùa cao điểm du lịch biển tại miền Trung Việt Nam.
Sân bay quốc tế Cần Thơ có vai trò là đầu mối giao thông hàng không trọng yếu của miền Tây Nam Bộ, kết nối tỉnh Cần Thơ với cả nước và là cửa ngõ quốc tế tiềm năng của vùng. Nhà ga đạt tiêu chuẩn quốc tế 4E với thiết kế thân thiện, thoáng đãng và hiện đại, được quy hoạch linh hoạt để mở rộng khi nhu cầu tăng cao.
Sân bay quốc tế Cần Thơ có công suất phục vụ khách trung bình khoảng 3 - 5 triệu lượt khách mỗi năm (Nguồn: Internet)
Đường băng dài 3.000m, rộng 45m cùng hệ thống radar, đèn tín hiệu và các công nghệ hỗ trợ hiện đại cho phép tiếp nhận các dòng máy bay lớn như Airbus A320/321, Boeing 737, v.v. Cấu trúc mặt bằng nhà ga chia riêng cho khách nội địa và quốc tế, có thể khai thác đồng thời nhiều chuyến bay với công suất lớn và hiệu quả.
Từ Cần Thơ hiện có nhiều chuyến bay nội địa đến Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc, Đà Lạt, v.v. Sân bay hiện chỉ khai thác các chuyến bay quốc tế dưới hình thức thuê chuyến (charter) đến Đài Bắc, Bangkok. Hiện chưa có đường bay thương mại quốc tế thường lệ.
Là một trong những cảng hàng không quốc tế lớn ở miền Nam, sân bay quốc tế Phú Quốc không chỉ là đầu mối giao thương và du lịch quan trọng mà còn góp phần bảo đảm an ninh - quốc phòng vùng biển đảo phía Tây Nam. Nhà ga hiện đại với trang thiết bị tiên tiến cùng hệ thống sân đỗ, kiểm soát không lưu và dịch vụ đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho khai thác các dòng máy bay thương mại tầm trung và lớn.
Sân bay quốc tế Phú Quốc có vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch phía Tây Nam Việt Nam (Nguồn: Internet)
Hiện sân bay khai thác 1 đường băng dài 3.000m, rộng 45m và 1 đường lăn song song rộng 23 m, đảm bảo tiếp nhận máy bay A320, A321, A350, v.v cùng 6 - 8 vị trí đỗ tại sân đỗ 60.000m². Theo quy hoạch, có thể đón 20 máy bay trong giờ cao điểm và 3.500 hành khách cùng lúc. Tổng thể hạ tầng đang không ngừng mở rộng để đáp ứng tốc độ tăng trưởng du lịch.
Các đường bay nội địa phổ biến gồm thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Quy Nhơn, Đà Lạt. Ở quốc tế, sân bay quốc tế Phú Quốc đã kết nối với nhiều điểm đến như Hong Kong, Bắc Kinh, Bangkok, Seoul, Busan và đang mở rộng thêm nhiều đường bay dưới hình thức thuê chuyến đến các thị trường trọng điểm.
Tra cứu ngay các chuyến bay khởi hành từ các sân bay quốc tế tại Việt Nam và săn vé với giá ưu đãi hấp dẫn nhất từ Vietnam Airlines.
Sân bay nội địa là cảng hàng không chuyên phục vụ các chuyến bay trong phạm vi lãnh thổ quốc gia, kết nối giữa các tỉnh, thành phố trong nước. Đây là mắt xích quan trọng trong mạng lưới giao thông, giúp rút ngắn thời gian di chuyển và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Sân bay nội địa thường có quy mô nhỏ hơn sân bay quốc tế và không tiếp nhận các chuyến bay từ nước ngoài.
Danh sách sân bay nội địa ở Việt Nam
Sân bay Điện Biên
VVDB/DIN
Tỉnh Điện Biên
Sân bay Đồng Hới
VVDH/VDH
Tỉnh Quảng Trị
Sân bay Thọ Xuân
VVTX/THD
Tỉnh Thanh Hoá
Sân bay Chu Lai
Sân bay Tuy Hoà
VVTH/TBB
Tỉnh Đắk Lắk
Sân bay Rạch Giá
VVRG/VKG
Sân bay Pleiku
VVPK/PXU
Tỉnh Gia Lai
Sân bay Buôn Ma Thuột
VVBM/BMV
Sân bay Phù Cát
VVPC/UIH
Sân bay Cà Mau
VVCM/CAH
Tỉnh Cà Mau
Sân bay Côn Đảo
VVCS/VCS
Sân bay Điện Biên là cảng hàng không lớn nhất vùng Tây Bắc Việt Nam, mang ý nghĩa chiến lược cả về kinh tế, an ninh, quốc phòng và ngoại giao. Ngoài chức năng dân dụng, sân bay còn phục vụ các chuyến bay quân sự, chuyên cơ, chuyến bay ưu tiên phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và khách quốc tế đến công tác tại khu vực.
Sân bay Điện Biên hiện đang là sân bay nội địa duy nhất và lớn nhất miền Tây Bắc Việt Nam (Nguồn: Internet)
Mặc dù hiện tại mới chỉ tiếp nhận các chuyến bay ban ngày do hạn chế về tĩnh không và thời tiết, sân bay vẫn đóng vai trò kết nối vùng núi Tây Bắc với các trung tâm kinh tế lớn. Sân bay đang được đầu tư nâng cấp, cải tạo để đáp ứng các tiêu chuẩn hàng không hiện đại và nâng cao năng lực phục vụ.
Hiện sân bay Điện Biên đang khai thác các chặng bay nội địa kết nối với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đây là những chuyến bay chủ lực, giúp phục vụ nhu cầu đi lại của người dân vùng cao và du khách đến thăm tỉnh Điện Biên.
Sân bay Đồng Hới đóng vai trò quan trọng trong giao thông hàng không khu vực Bắc Trung Bộ, đặc biệt hỗ trợ phát triển du lịch Quảng Trị với các điểm đến nổi tiếng như Phong Nha - Kẻ Bàng. Nhà ga hành khách được trang bị đầy đủ tiện ích, gồm phòng VIP, khu thương gia, hàng lưu niệm, ăn uống và các khu vực chức năng khác.
Sân bay Đồng Hời giúp hành trình khám phá di sản miền Trung và các địa danh nổi tiếng ở Quảng Trị trở nên dễ dàng hơn (Nguồn: Internet)
Sân bay có quy mô nhỏ, với hai đường lăn E1 (quân sự) và E2 (dân sự), chủ yếu phục vụ các chuyến bay thương mại trong nước. Tiềm năng phát triển du lịch và vị trí chiến lược của Quảng Trị là lợi thế để mở rộng hoạt động trong tương lai.
Hiện tại, sân bay Đồng Hới đang khai thác 2 tuyến bay nội địa chính kết nối với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đây là các đường bay quan trọng phục vụ nhu cầu di chuyển của người dân và du khách đến với vùng đất nhiều danh lam thắng cảnh.
Sân bay Thọ Xuân được xem là đầu mối giao thông quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế, du lịch và giao thương của tỉnh Thanh Hóa và khu vực Bắc Trung Bộ. Nhà ga được đầu tư hiện đại, thiết kế mô phỏng hình cánh chim Lạc trên mặt trống đồng Đông Sơn, thể hiện bản sắc văn hóa địa phương.
Sân bay Thọ Xuân là sân bay hỗn hợp quân sự - dân sự ở thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa (Nguồn: Internet)
Cảng hàng không Thọ Xuân có đường băng dài 3.200m, rộng 50m, đảm bảo khả năng cất cánh và hạ cánh cho các loại máy bay tầm trung như Airbus A320, A321. Với quy mô sân bay cấp 4C, nơi đây đủ điều kiện phục vụ các chuyến bay dân dụng hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế.
Hiện sân bay Thọ Xuân khai thác các đường bay nội địa kết nối với các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn (Gia Lai mới), v.v tạo thuận lợi cho hành khách di chuyển và mở rộng kết nối kinh tế - xã hội trong cả nước. Trong tương lai, sân bay sẽ được quy hoạch để phát triển thành cảng hàng không quốc tế nhằm đón tiếp được cả lượng du khách từ các quốc gia trên thế giới.
Sân bay Chu Lai là cảng hàng không dân dụng kết hợp quân sự, hoạt động 24/24 và có thể tiếp nhận cả tàu bay tư nhân lẫn chuyến bay không thường lệ. Với diện tích nhà ga 3.360m², sân bay đóng vai trò then chốt trong việc kết nối khu kinh tế mở Chu Lai và Dung Quất với các vùng kinh tế trọng điểm khác.
Sân bay Chu Lai nằm trong Khu kinh tế mở Chu Lai thuộc tỉnh Đà Nẵng và giáp ranh với tỉnh Quảng Ngãi (Nguồn: Internet)
Theo quy hoạch phát triển, sân bay sẽ được mở rộng với hệ thống nhà ga mới, sân đỗ và đường băng lớn hơn, hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm trung chuyển hành khách và hàng hóa quốc tế tại khu vực miền Trung, với công suất kỳ vọng đạt 5 triệu lượt khách và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm trong tương lai.
Về hoạt động khai thác, hiện tại sân bay Chu Lai chủ yếu phục vụ các tuyến nội địa. Hai chặng bay chính đang được khai thác thường xuyên là thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Các chuyến bay quốc tế hiện chưa được triển khai, nhưng sẽ là trọng tâm trong chiến lược phát triển lâu dài của sân bay.
Sân bay Tuy Hòa đóng vai trò là cửa ngõ giao thông quan trọng giúp kết nối tỉnh Đắk Lắk với các vùng kinh tế lớn trong nước. Đây là cảng hàng không dân dụng kết hợp với hoạt động bay quân sự, trong đó khu vực dân sự nằm ở phía Bắc đường băng, góp phần thúc đẩy du lịch và kinh tế địa phương.
Sân bay Tuy Hòa thuộc tỉnh Đắk Lắk, cách trung tâm phường Phú Yên khoảng 10km (Nguồn: Internet)
Về khai thác, sân bay đủ năng lực tiếp nhận các tàu bay tầm trung như Airbus A320, A321. Hệ thống đèn tín hiệu, radar hiện đại giúp đảm bảo hoạt động bay an toàn trong điều kiện thời tiết phức tạp. Theo định hướng đến năm 2030, sân bay sẽ được mở rộng để đạt công suất 3 triệu hành khách/năm, đủ đón cả các loại máy bay lớn như Boeing 747, Boeing 777.
Hiện tại, sân bay Tuy Hòa được 4 hãng hàng không nội địa khai thác với 2 tuyến bay chính bao gồm thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Sân bay chưa khai thác các tuyến bay quốc tế, song được định hướng trở thành điểm kết nối quốc tế trong tương lai gần.
Sân bay Rạch Giá là cảng hàng không dân dụng cấp nhỏ. Nhà ga hành khách gồm 2 tầng, tổng diện tích khoảng 2.500m² với đầy đủ các khu chức năng như quầy thủ tục, phòng VIP, phòng chờ, khu bán hàng, phòng hút thuốc, v.v. Đây là điểm kết nối quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - du lịch vùng Tây Nam Bộ.
Nằm ở ven biển phía Tây Nam, thuộc tỉnh An Giang, sân bay Rạch Giá được khai thác cho hoạt động dân dụng và quân sự (Nguồn: Internet)
Về quy mô khai thác, sân bay hiện có đường băng dài 1.500m, rộng 30m và sân đỗ đủ cho 4 tàu bay loại nhỏ đỗ cùng lúc. Với công suất khoảng 200.000 lượt khách/năm, sân bay phục vụ các máy bay tầm ngắn như ATR72, AN26, v.v. Trong bối cảnh hạn chế về hạ tầng, nơi đây vẫn duy trì tốt chức năng vận chuyển hành khách và hàng hóa cho Kiên Giang và lân cận.
Hiện tại, sân bay Rạch Giá đang khai thác 2 tuyến bay nội địa là thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Cảng chưa tiếp nhận các chuyến bay quốc tế. Tuy nhiên, với vai trò ngày càng rõ nét trong mạng lưới giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sân bay được kỳ vọng sẽ có thêm các đường bay mở rộng trong tương lai.
Sân bay Pleiku đóng vai trò chiến lược trong vận tải hàng không kết hợp dân dụng và quân sự tại khu vực Tây Nguyên. Với công suất phục vụ khoảng 600.000 lượt khách/năm, đây là điểm giao thông trọng yếu kết nối Gia Lai với các vùng miền trong cả nước. Sân bay có thiết kế 2 tầng với đầy đủ tiện ích phục vụ hành khách.
Sân bay Pleiku là 1 trong 3 sân bay nội địa tại khu vực Tây Nguyên (Nguồn: Internet)
Sân bay có đường băng dài 2.400 m, sân đỗ chứa 5 vị trí cho máy bay tầm trung như Airbus A320/A321. Theo quy hoạch đến năm 2030, Pleiku sẽ xây thêm nhà ga mới, nâng công suất lên 4 triệu khách/năm. Hạ tầng hiện đại gồm hệ thống radar, đèn tín hiệu, PCCC, wifi, biển báo, v.v đáp ứng tốt hoạt động khai thác liên tục và an toàn.
Hiện tại, sân bay Pleiku khai thác các chặng bay nội địa quan trọng như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và Hải Phòng. Sân bay chưa tiếp nhận các chuyến bay quốc tế, tuy nhiên với tiềm năng tăng trưởng du lịch, Gia Lai có thể mở rộng kết nối ra quốc tế trong tương lai.
Sân bay Buôn Ma Thuột là cảng hàng không hỗn hợp, phục vụ cả mục đích quân sự và dân dụng của tỉnh Đắk Lắk và khu vực Tây Nguyên. Với vị trí chiến lược, đây được xem là cửa ngõ hàng không quan trọng kết nối vùng với các trung tâm kinh tế, du lịch lớn. Những năm gần đây, sân bay ghi nhận mức tăng trưởng ổn định và đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy giao thương, du lịch khu vực.
Sân bay Buôn Ma Thuột được đánh giá là một trong những sân bay hoạt động sôi nổi nhất ở vùng Tây Nguyên (Nguồn: Internet)
Hiện sân bay có nhà ga hành khách gồm 1 tầng trệt và tầng lửng, được trang bị công nghệ hiện đại như 12 quầy thủ tục, 3 băng chuyền hành lý, 4 cửa ra tàu bay và hệ thống soi chiếu an ninh. Công suất phục vụ lên tới hàng triệu lượt khách mỗi năm, giúp sân bay duy trì hoạt động hiệu quả.
Các chuyến bay nội địa phổ biến từ Buôn Ma Thuột gồm thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Phú Quốc, Thanh Hóa, v.v. Hiện sân bay chưa khai thác đường bay quốc tế nhưng được kỳ vọng sẽ mở rộng trong thời gian tới.
Sân bay Phù Cát là cảng hàng không hỗn hợp, kết hợp giữa hàng không dân dụng và quân sự, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, du lịch và an ninh quốc phòng của tỉnh Bình Định. Với thiết kế lấy cảm hứng từ Đàn Nam Giao triều Tây Sơn, nhà ga hành khách T1 gồm 1 tầng trệt và 1 tầng lửng, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân và du khách.
Sân bay Phù Cát là một trong những sân bay nhộn nhịp nhất khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ (Nguồn: Internet)
Trung bình mỗi năm sân bay phục vụ khoảng 2 triệu lượt hành khách, nằm trong nhóm các sân bay nhộn nhịp nhất khu vực Nam Trung Bộ, chỉ sau Cam Ranh và Đà Nẵng. Nhà ga T1 có diện tích gần 8.400m², công suất tối đa 600 khách/giờ cao điểm. Trong tương lai, sân bay sẽ được mở rộng để hướng tới trở thành cảng hàng không quốc tế.
Hiện sân bay Phù Cát khai thác các tuyến nội địa đến thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Cần Thơ. Tuy chưa có đường bay quốc tế nhưng dự án mở rộng nhà ga quốc tế đã được lên kế hoạch trong giai đoạn tới.
Tọa lạc ngay trung tâm tỉnh, sân bay Cà Mau đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và du lịch cho tỉnh Cà Mau và khu vực lân cận. Đây là cầu nối giao thông hàng không duy nhất giúp kết nối vùng cực Nam Tổ quốc với các trung tâm lớn trên cả nước, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh.
Sân bay Cà Mau là điểm dừng chân đầu tiên khi hành khách bay đến tỉnh thành cực Nam Việt Nam (Nguồn: Internet)
Hiện sân bay có một đường băng dài 1.500m và một đường lăn chính, đủ điều kiện tiếp nhận các dòng máy bay cỡ nhỏ như ATR-72. Trung bình mỗi năm sân bay đón khoảng 35.000 lượt hành khách, chủ yếu phục vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa, bưu kiện. Các hạng mục sân đỗ, nhà ga và trang thiết bị kỹ thuật đang tiếp tục được cải thiện nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và bảo đảm an toàn hàng không.
Hiện tại, sân bay Cà Mau chỉ khai thác chuyến bay nội địa đến thành phố Hồ Chí Minh với tần suất 7 chuyến/tuần. Dù chưa có đường bay quốc tế, sân bay vẫn đáp ứng tốt nhu cầu di chuyển của người dân địa phương, khách quốc tế, chuyên gia và nhà đầu tư đến làm việc tại khu vực Cụm khí điện đạm Cà Mau.
Cảng hàng không Côn Đảo là sân bay địa phương đóng vai trò chiến lược trong việc kết nối đảo với đất liền. Đây là cảng hàng không dân dụng kết hợp quân sự, phục vụ cả mục đích quốc phòng lẫn phát triển kinh tế, du lịch.
Sân bay Côn Đảo nằm tại phía Bắc - Đông Bắc đảo Côn Sơn, giữa thung lũng, hai bên là núi cao và hai đầu giáp biển (Nguồn: Internet)
Hiện sân bay khai thác với thời gian hoạt động 12/24 giờ, có nhà ga hành khách công suất khoảng 200 khách vào giờ cao điểm. Hạ tầng kỹ thuật cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của hành khách dù quy mô còn khiêm tốn. Trung bình mỗi ngày, sân bay tiếp nhận khoảng 11 chuyến bay khứ hồi.
Các chặng bay hiện có tại sân bay Côn Đảo chủ yếu là nội địa, kết nối đảo với các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hà Nội, Hải Phòng. Hiện tại sân bay chưa khai thác đường bay quốc tế.
Sân bay quân sự là loại sân bay được xây dựng và vận hành nhằm phục vụ cho các hoạt động của lực lượng vũ trang, đặc biệt là không quân. Đây là nơi cất - hạ cánh của các loại máy bay quân sự, đồng thời thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, triển khai tác chiến, vận chuyển quân - khí tài, cứu hộ, trinh sát, v.v. Sân bay quân sự thường có tính bảo mật cao, được kiểm soát nghiêm ngặt và không mở cửa cho các chuyến bay dân dụng thông thường.
Danh sách sân bay quân sự ở Việt Nam
Sân bay Vũng Tàu
VVVT/VTG
Sân bay Biên Hoà
VVBH/VBH
Sân bay Kép
VVKP
Tỉnh Bắc Ninh
Sân bay Kiến An
VV03
Sân bay Hoà Lạc
VVYL
Hà Nội
Sân bay Gia Lâm
VVGL
Sân bay Thành Sơn
VVPR/PHA
Sân bay Yên Bái
Tỉnh Lào Cai
Sân bay Trường Sa
Sân bay Nước Mặn
Sân bay Vũng Tàu là một sân bay quân sự kết hợp dân dụng. Đây là căn cứ không quân chiến lược phục vụ công tác huấn luyện, trực chiến và sẵn sàng chiến đấu của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam. Với vị trí sát biển và gần các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, sân bay Vũng Tàu có vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ an ninh vùng trời và lãnh hải khu vực Đông Nam Bộ.
Bên cạnh nhiệm vụ quân sự, sân bay Vũng Tàu còn được sử dụng cho các hoạt động bay dân dụng hạn chế như phục vụ bay trực thăng chở khách, vận chuyển hàng hóa, hỗ trợ ngành công nghiệp dầu khí ngoài khơi. Các chuyến bay dân dụng tại đây chủ yếu do Công ty Trực thăng Miền Nam (trực thuộc Tổng công ty Trực thăng Việt Nam) khai thác, với các loại máy bay cánh quạt nhỏ và trực thăng.
Với điều kiện cơ sở hạ tầng tương đối nhỏ gọn, sân bay Vũng Tàu hiện chưa phục vụ các chuyến bay thương mại thường lệ. Tuy nhiên, trong tương lai, nếu được nâng cấp và mở rộng, nơi đây có tiềm năng trở thành điểm trung chuyển hàng không chuyên biệt, phục vụ cho các ngành kinh tế kỹ thuật cao như dầu khí, du lịch biển và quốc phòng.
Sân bay quân sự Vũng Tàu chuyên chở công nhân làm việc tại giàn khoan (Nguồn: Internet)
Sân bay Biên Hòa, hay còn gọi là Căn cứ không quân Biên Hòa, là một sân bay quân sự quan trọng. Trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, đây từng là căn cứ lớn của Không lực Việt Nam Cộng Hòa và Không lực Hoa Kỳ, đóng vai trò chiến lược trong nhiều chiến dịch không kích. Sân bay từng được sử dụng làm nơi diễn tập diễu hành trong dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng Miền Nam năm 2025.
Sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975), sân bay Biên Hòa được Không quân Nhân dân Việt Nam tiếp quản và tiếp tục sử dụng phục vụ mục đích quốc phòng. Đây là một trong những căn cứ không quân trọng yếu ở miền Nam, có hệ thống đường băng, sân đỗ và kho kỹ thuật đủ điều kiện phục vụ các loại máy bay hiện đại.
Hiện nay, Trung đoàn Không quân tiêm kích 935 (Đoàn Biên Hòa), thuộc Sư đoàn Không quân 370, đang đóng quân tại đây. Trung đoàn được trang bị các tiêm kích đa năng Su-30MK2V hiện đại, đảm nhiệm nhiệm vụ phòng không - không quân chủ lực của khu vực phía Nam.
Sân bay quân sự Biên Hoà được trang bị các loại tiêm kích hiện đại sẵn sàng chiến đấu (Nguồn: Internet)
Sân bay Kép, hay Căn cứ Không quân Kép, là một sân bay quân sự chiến lược của Không quân Nhân dân Việt Nam. Đây là một trong những căn cứ không quân chủ lực khu vực phía Bắc, có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ vùng trời miền Bắc và Thủ đô.
Sân bay Kép hiện là nơi đóng quân của Trung đoàn tiêm kích 927 và Trung đoàn huấn luyện - tiêm kích 940, trực thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân. Các đơn vị này được trang bị nhiều dòng tiêm kích hiện đại như Su-30MK2, Su-27SK/UBK và máy bay huấn luyện phản lực Yak-130. Sân bay Kép còn đóng vai trò huấn luyện phi công chiến đấu, đào tạo phi công chuyển loại và nâng cao kỹ năng điều khiển máy bay chiến đấu hiện đại.
Sân bay Kép được ví như một lá chắn phòng không cho Hà Nội từ phía Đông và phía Bắc (Nguồn: Internet)
Sân bay Kiến An là một sân bay quân sự, được xây dựng từ thời Pháp thuộc, sân bay này từng là căn cứ không quân của Trung đoàn 910 sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc. Với chiều dài đường băng 2.400m, sân bay đủ điều kiện tiếp nhận các loại máy bay quân sự hiện đại.
Hiện nay, sân bay Kiến An không phục vụ mục đích hàng không dân dụng mà chủ yếu giữ vai trò dự bị chiến lược cho sân bay Cát Bi và Nội Bài. Khu vực sân bay vẫn nằm dưới sự quản lý của Bộ Quốc phòng, với các quy định kiểm soát nghiêm ngặt và không mở cửa cho dân thường tiếp cận.
Về chức năng, sân bay Kiến An tiếp tục đóng vai trò là căn cứ huấn luyện, bảo trì và bố trí lực lượng không quân khi cần thiết, đồng thời giữ vai trò quan trọng trong hệ thống phòng thủ và bảo vệ an ninh vùng duyên hải Bắc Bộ.
Sân bay Kiến An có chiều dài đường băng 2.400m, đủ sức đón các máy bay quân sự lớn nhất của Việt Nam (Nguồn: Internet)
Sân bay Hòa Lạc là một sân bay quân sự nằm trên địa bàn huyện Thạch Thất và thị xã Sơn Tây, trước đây thuộc tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc địa phận thủ đô Hà Nội sau khi sáp nhập năm 2008. Đây là sân bay thứ ba của Hà Nội, bên cạnh sân bay quốc tế Nội Bài và sân bay Gia Lâm.
Hiện tại, sân bay Hòa Lạc chủ yếu phục vụ cho hoạt động quân sự, đặc biệt là các nhiệm vụ huấn luyện và vận hành trực thăng. Đây là một căn cứ có vị trí chiến lược quan trọng, đảm bảo khả năng phản ứng nhanh cho các lực lượng vũ trang ở khu vực phía Tây thủ đô.
Sân bay từng được sử dụng làm nơi diễn tập diễu binh trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vào năm 2010, khẳng định vai trò hậu cần - kỹ thuật quan trọng của sân bay trong các sự kiện quân sự lớn cấp quốc gia. Tầm nhìn trong tương lai, sân bay Hoà Lạc sẽ hoạt động cả quân sự và dân dụng.
Năm 2010, trong sự kiện 1000 năm Thăng Long, sân bay Hoà Lạc được dùng để diễn tập diễu binh (Nguồn: Internet)
Sân bay Gia Lâm hiện là sân bay quân sự do Quân chủng phòng không - không quân quản lý và khai thác hoạt động bay quân sự. Đây từng là sân bay chính của Hà Nội trước năm 1975, trước khi được thay thế bởi sân bay quốc tế Nội Bài.
Hiện nay, sân bay Gia Lâm chủ yếu phục vụ cho các hoạt động bay huấn luyện, bay quân sự và bay taxi du lịch bằng trực thăng. Với chiều dài đường băng chính 2.000m, sân bay có khả năng tiếp nhận các loại máy bay cỡ nhỏ và trực thăng. Sân bay còn có khu vực chứa tới 20 chiếc máy bay và 2 vị trí đỗ chính.
Năm 2022, sân bay Gia Lâm được chọn là địa điểm tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam lần đầu tiên. Mặc dù từng được đề xuất quy hoạch thành ga hàng không giá rẻ, kế hoạch này đã bị bãi bỏ vào năm 2020, giữ nguyên sân bay là một cơ sở phục vụ quốc phòng và hoạt động bay chuyên biệt.
Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2022 được tổ chức tại sân bay Gia Lâm với hàng chục loại vũ khí hiện đại (Nguồn: Internet)
Sân bay Thành Sơn (hay căn cứ không quân Phan Rang) là một sân bay quân sự cấp 1, có vị trí chiến lược. Sân bay này cách quần đảo Trường Sa khoảng 600km, từng được sử dụng bởi quân đội Nhật, Pháp, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa trước khi được Không quân Nhân dân Việt Nam tiếp quản sau năm 1975.
Sân bay Thành Sơn từng là nơi diễn ra chiến công lịch sử ngày 28/4/1975, khi Phi đội Quyết Thắng cất cánh từ đây ném bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất bằng các máy bay A-37 thu giữ. Sau thống nhất, sân bay là nơi tiếp nhận, huấn luyện và sử dụng các máy bay chiến lợi phẩm như F-5E và A-37, sau đó chuyển sang huấn luyện bằng L-39, Su-27, Su-22 và đến nay vẫn là nơi đóng quân của Trung đoàn Không quân 937 (Đoàn C37).
Hiện nay, Sân bay Thành Sơn vẫn là một trong những căn cứ chủ lực của lực lượng không quân Việt Nam, với hơn 1.000 quân nhân làm nhiệm vụ bảo vệ, huấn luyện, bảo dưỡng kỹ thuật. Trong bối cảnh hiện đại hóa lực lượng không quân, căn cứ này được đề xuất tiếp tục đầu tư để hỗ trợ phòng thủ khu vực biển Đông và Trường Sa.
Sân bay Thành Sơn là sân bay quan trọng của Không quân Nhân dân Việt Nam nằm ở phường Đô Vinh, tỉnh Khánh Hòa (Nguồn: Internet)
Sân bay Yên Bái là một trong ba sân bay quân sự chiến lược của miền Bắc Việt Nam, được xây dựng từ đầu thập niên 1960 và chính thức đưa vào hoạt động từ năm 1968. Sân bay này đóng vai trò quan trọng trong hệ thống phòng thủ khu vực Tây Bắc, đồng thời có vị trí gần trung tâm thành phố Yên Bái.
Với tổng diện tích hơn 279 ha và đường băng dài 2.400 m, sân bay Yên Bái có điều kiện hạ tầng phù hợp để phát triển theo hướng lưỡng dụng (kết hợp quân sự và dân dụng). Sân bay nằm trên địa bàn phường Nam Cường, kết nối giao thông thuận lợi với các khu vực lân cận.
Hiện tại, sân bay chủ yếu phục vụ mục đích quân sự và chưa khai thác các chuyến bay thương mại. Tuy nhiên, đây được xem là một trong những địa điểm có tiềm năng phát triển hàng không dân dụng tại khu vực Tây Bắc nếu được Chính phủ cho phép và quy hoạch hợp lý.
Sân bay Yên Bái là sân bay quân sự chiến lược của miền Bắc do Trung đoàn Không quân 921 đóng quân và quản lý (Nguồn: Internet)
Sân bay Trường Sa là một sân bay quân sự đặc biệt, duy nhất hiện diện trên quần đảo Trường Sa, thể hiện vai trò chiến lược của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Sân bay có một đường băng dài khoảng 1.300 mét, được xây dựng kiên cố trên nền cát và đá san hô tự nhiên với ba lớp kết cấu. Kết cấu này cho phép sân bay tiếp nhận trực thăng, máy bay tuần tiễu M-28 cũng như một số loại máy bay chiến đấu.
Dù không phải là sân bay quy mô lớn, nhưng Trường Sa đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong công tác tuần tra, giám sát vùng trời - vùng biển, cũng như tiếp tế hậu cần và cứu trợ nhân đạo trên Biển Đông. Việc vận hành sân bay Trường Sa góp phần tăng cường năng lực phòng thủ và củng cố sự hiện diện lâu dài của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa.
Sân bay Trường Sa là sân bay quân sự duy nhất của Không quân Nhân dân Việt Nam trên quần đảo Trường Sa (Nguồn: Internet)
Sân bay Nước Mặn tọa lạc tại phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Trong thời kỳ chiến tranh, đây từng là căn cứ quân sự quan trọng, nơi lính thủy đánh bộ Mỹ đổ bộ lần đầu vào Việt Nam và xây dựng một cứ điểm không lực lớn phục vụ cho kế hoạch kiểm soát Đông Dương.
Sân bay có một đường băng dài khoảng 1.400m, được thiết kế chủ yếu để phục vụ hoạt động quân sự. Hiện nay, sân bay không còn phục vụ các chuyến bay thường lệ mà chủ yếu khai thác cho hoạt động trực thăng và làm kho hậu cần, đặc biệt là kho xăng dầu chiến lược phục vụ cho miền Trung.
Hiện nay, tại Ga trực thăng - Sân bay Nước Mặn Đà Nẵng có các chuyến bay trực thăng ngắm cảnh Đà Nẵng 12 phút và tour trực thăng ngắm cảnh Đà Nẵng trong 30 phút. Tour nhằm phục vụ cho du khách muốn trải nghiệm mới lạ khi du lịch ngắm cảnh từ trên cao, thỏa mãn niềm đam mê khám phá những bãi biển đẹp cùng các di sản nổi tiếng thế giới.
Ga trực thăng tại Sân bay Nước Mặn phục vụ dịch vụ ngắm cảnh Đà Nẵng trên trực thăng cho du khách (Nguồn: Internet)
Dưới đây là những câu hỏi thường gặp liên quan đến hệ thống sân bay và hàng không tại Việt Nam, được tổng hợp để giúp bạn hiểu rõ hơn về sân bay ở Việt Nam:
Các tỉnh thành ở Việt Nam có 2 sân bay bao gồm:
Ba cảng hàng không quốc tế trọng điểm của Việt Nam bao gồm: Sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (thành phố Hồ Chí Minh), sân bay quốc tế Đà Nẵng (thành phố Đà Nẵng). Đây là ba đầu mối hàng không lớn nhất, kết nối Việt Nam với các châu lục và giữ vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế, du lịch và an ninh quốc gia.
Tính đến nay, Việt Nam có 5 hãng hàng không nội địa được cấp phép khai thác bay quốc tế, bao gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vietravel Airlines.
Trên đây là danh sách các sân bay ở Việt Nam mới nhất năm 2025, bao gồm sân bay quốc tế, nội địa và quân sự trải dài khắp cả nước. Hệ thống sân bay ngày càng được đầu tư hiện đại, đóng vai trò then chốt trong giao thông - vận tải, du lịch và quốc phòng.
Nếu bạn đang lên kế hoạch di chuyển hay tìm hiểu hạ tầng hàng không Việt Nam, Cẩm nang du lịch Vietnam Airlines sẽ là nguồn thông tin hữu ích và cập nhật. Ngoài ra, bạn có thể tra cứu thêm thông tin chuyến bay nếu muốn đặt vé đến các địa điểm thú vị quanh Việt Nam!
Quý khách cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ, đáp ứng các quy định và thủ tục nhập cảnh của quốc gia đến. Vietnam Airlines sẽ không chịu trách nhiệm trong trường hợp hành khách bị từ chối nhập cảnh.
Quý khách vui lòng tham khảo thông tin tại đây.
Chúng tôi có sử dụng cookies nhằm cải thiện trải nghiệm của bạn khi truy cập website www.vietnamairlines.com. Vui lòng nhấn đồng ý để chấp thuận việc sử dụng cookies và không hiển thị lại thông báo này trong các lần truy cập tiếp theo.
Để tìm hiểu thêm về cookies và cách quản lý cookies, vui lòng xem tại đây