Lăng Tự Đức: Vẻ đẹp trang nhã của lăng mộ hoàng gia xứ Huế

Được xem là đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc cảnh quan, lăng Tự Đức là một trong những lăng tẩm đẹp và thơ mộng nhất triều Nguyễn. Không quá đồ sộ hay hào nhoáng, lăng mang vẻ trầm mặc, sâu lắng, phản chiếu đúng tâm hồn thi sĩ của vua Tự Đức. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn khám phá trọn vẹn kiến trúc, lịch sử và những kinh nghiệm tham quan hữu ích nhất tại di tích lịch sử đặc sắc này.

1. Thông tin tổng quan về Lăng Tự Đức

1.1. Vị trí

Lăng Tự Đức nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 7,5km về phía Tây Nam, ngự trên một thung lũng hẹp ở đường Đoàn Nhữ Hải, thôn thượng Ba, phường Thuỷ Xuân, thành phố Huế. Nơi đây được bao bọc bởi rừng thông xanh rì và các ngọn đồi thấp, mang lại bầu không khí yên tĩnh, mát lành quanh năm.

Hướng dẫn di chuyển từ trung tâm thành phố Huế:

  • Lộ trình 1: Từ cầu Trường Tiền, đi theo đường Lê Lợi → Điện Biên Phủ → Lê Ngô Cát → Huyền Trân Công Chúa → rẽ vào đường Đoàn Nhữ Hải và đi thêm khoảng 650m là đến nơi.
  • Lộ trình 2 (gần chùa Thiên Mụ): Từ đường Bùi Thị Xuân → Huyền Trân Công Chúa → Đoàn Nhữ Hài → lăng Tự Đức.

Gợi ý phương tiện di chuyển thuận tiện:

  • Thuê xe máy: Liên hệ khách sạn nơi bạn lưu trú hoặc các đơn vị chuyên cho thuê xe máy. Giá tham khảo 80.000 - 150.000 VND/ngày, phí xăng xe tự túc.
  • Taxi: Đặt xe qua các ứng dụng hoặc gọi đến số tổng đài của hãng xe. Giá tham khảo từ 75.000 VND/chiều.
  • Xe ôm công nghệ: Giá tham khảo từ 40.000 VND/chiều.
  • Ô tô: Sử dụng ô tô cá nhân, xăng xe tự túc hoặc thuê xe ô tô với giá tham khảo từ 600.000 - 2.000.000 VND/ngày.
  • Xe buýt du lịch: Đặt vé trước tại các công ty cung cấp dịch vụ xe buýt hai tầng ở Huế. Tour nội thành kết hợp tham quan lăng Tự Đức và nhiều điểm dừng nổi tiếng khác. Tuỳ theo thời gian tham quan bạn chọn (lên đến 48 giờ), giá vé dao động từ 100.000 - 590.000 VND/người.

Lăng Tự Đức nhìn từ trên cao

Lăng Tự Đức nhìn từ trên cao (Nguồn: Internet)

1.2. Giá vé và giờ mở cửa Lăng Vua Tự Đức

Giờ mở cửa: Lăng Tự Đức mở cửa đón khách tham quan tất cả các ngày trong tuần, từ 7:00 đến 17:30.

Giá vé: Giá vé tham quan áp dụng cho khách lẻ như sau:

  • Người lớn: 150.000 VND/người
  • Trẻ em từ 7 đến dưới 12 tuổi: 30.000 VND/người
  • Trẻ em dưới 6 tuổi: Miễn phí

Ngoài ra, nếu bạn có kế hoạch tham quan nhiều điểm tại cố đô Huế, nên cân nhắc mua vé combo do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phát hành để hưởng mức giá tốt hơn. Hai lựa chọn phổ biến nhất hiện nay gồm:

  • Combo 1: Đại Nội - Lăng Minh Mạng - Lăng Tự Đức. Giá: 420.000 VND/người lớn; 80.000 VND/trẻ em.
  • Combo 2: Đại Nội - Lăng Khải Định - Lăng Tự Đức. Giá: 420.000 VND/người lớn; 80.000 VND/trẻ em.

Lưu ý: Thông tin về giá vé và giờ mở cửa có thể thay đổi. Trước khi tham quan, bạn nên kiểm tra lại trên các trang thông tin chính thức của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Lăng Tự Đức mở cửa đón khách hàng ngày, từ 7:00 - 17:30

Lăng Tự Đức mở cửa đón khách hàng ngày, từ 7:00 - 17:30 (Nguồn: Internet)

2. Lịch sử hình thành và xây dựng

2.1. Vua Tự Đức - Vị vua thi sĩ uyên bác

Vua Tự Đức (1829 - 1883), húy là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, là vị hoàng đế thứ tư của triều Nguyễn và cũng là người trị vì lâu nhất với 36 năm trên ngai vàng. Ông nổi bật với tư tưởng Nho giáo, tài văn chương uyên bác và lối sống nghiêng về thi đạo, yêu thích thi ca hơn binh đao. Tuy nhiên, triều đại của ông cũng trải qua nhiều biến động lịch sử lớn, trong đó có việc nhượng 3 tỉnh miền Đông (1862) và sau đó là toàn bộ Nam Kỳ (1867) cho thực dân Pháp, khiến ông luôn mang nặng tâm sự và day dứt suốt đời.

Chân dung vua Tự Đức

Chân dung vua Tự Đức (Nguồn: Internet)

2.2. Lịch sử xây dựng lăng Tự Đức

Quá trình xây dựng:

Khác với phần lớn các lăng tẩm chỉ được xây dựng sau khi vua băng hà, lăng Tự Đức được khởi công ngay khi nhà vua còn sống.

  • Năm 1863, công trình được khởi công với tên gọi ban đầu là Vạn Niên Cơ (萬年基).
  • Năm 1866, do vấp phải phản ứng gay gắt từ triều đình và cuộc “Loạn Chày Vôi”, nhà vua đã đổi tên công trình thành Khiêm Cung (謙宮), thể hiện sự khiêm tốn, nhún nhường.
  • Năm 1873, Khiêm Cung được hoàn thành.
  • Sau khi nhà vua băng hà, lăng được đổi tên thành Khiêm Lăng (謙陵).

Ảnh hưởng từ cuộc đời nhà vua đến phong cách thiết kế lăng:

Việc thiết kế lăng Tự Đức cũng phản ánh sâu sắc hoàn cảnh cá nhân và những biến cố lịch sử dưới triều đại của ông. Từ việc có đến 103 phi tần nhưng lại không con nối dõi, lại phải đối diện với làn sóng xâm lược ngày càng mạnh mẽ của thực dân Pháp đã khiến nhà vua gánh trên vai nhiều nỗi buồn trăn trở. Những cảm xúc ấy được thể hiện qua từng chi tiết trong lăng - biến nơi đây thành một công trình trang nhã, tĩnh lặng, giàu chất suy tư giữa lòng cố đô.

Mục đích sử dụng:

Không chỉ là nơi an nghỉ sau cùng, Khiêm Cung còn từng là “hành cung thứ hai”, là chốn ở, làm việc và nghỉ dưỡng của vua Tự Đức suốt hơn một thập kỷ cuối đời.

Giá trị văn hoá và lịch sử:

Lăng Tự Đức thuộc Quần thể di tích Cố đô được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1993. Đặc biệt, đây là một trong những di tích lịch sử đầu tiên của Việt Nam được giới thiệu trong bảo tàng số hóa 3D thuộc dự án Google Arts & Culture, góp phần đưa giá trị văn hóa triều Nguyễn đến gần hơn với công chúng toàn cầu.

Lăng Tự Đức được UNESCO công nhận

Lăng Tự Đức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1993 (Nguồn: Internet)

3. Khám phá kiến trúc trang nhã của Lăng Tự Đức

3.1. Kiến trúc tổng thể

Lăng Tự Đức được xây dựng như một khu hành cung kết hợp lăng mộ. Nơi này có diện tích hơn 12 hecta, gồm gần 50 công trình lớn nhỏ được bố trí uyển chuyển quanh hồ Lưu Khiêm với những con đường uốn lượn mềm mại.

Bố cục không theo trục thẳng: Hai khu vực chính là khu tẩm điện và khu lăng mộ không nằm trên cùng một trục mà chạy song song theo thế đất, lấy núi Giang Khiêm làm tiền án và núi Dương Xuân làm hậu chẩm.

Vật liệu xây dựng: Các công trình được xây từ gạch, đá, gỗ lim và mái lợp ngói lưu ly.

Kỹ thuật trang trí:

  • Công trình nổi bật với kỹ thuật khảm sành sứ tinh xảo. Phần lớn các bức khảm sử dụng gam màu tươi sáng, rực rỡ, đặc biệt là gam nóng như cam, vàng, đỏ tía, hồng cánh sen. Trong khi đó, gam lạnh như xanh lục, xanh lam, xanh tím được dùng làm màu phụ.
  • Hoa văn trang trí đa dạng, từ hình tượng “Tứ Linh” (Long, Lân, Quy, Phụng), “Bát Bửu”, các chữ Hán như Phúc, Lộc, Thọ, Hỉ cho đến những họa tiết hình học, hoa lá, quả trái, thể hiện sự cầu kỳ và tinh thần nghệ thuật đặc trưng của thời Nguyễn.

Thiết kế hài hoà với thiên nhiên: Khuôn viên Lăng Tự Đức có nhiều hồ nước, đảo nhân tạo, thác nước nhân tạo và rất nhiều cây xanh rợp bóng.

Kỹ thuật trang trí tinh xảo

Kỹ thuật trang trí tinh xảo (Nguồn: Internet)

Khuôn viên lăng Tự Đức rợp bóng cây xanh mát

Khuôn viên lăng Tự Đức rợp bóng cây xanh mát (Nguồn: Internet)

Thiết kế hài hoà với thiên nhiên

Thiết kế hài hoà với thiên nhiên (Nguồn: Internet)

Phần tiếp theo dưới đây đề cập một số công trình đáng chú ý tại lăng Tự Đức.

3.2. Hồ Lưu Khiêm và đảo Tịnh Khiêm

Nằm ở vị trí trí trung tâm trong quần thể lăng, hồ Lưu Khiêm đóng vai trò "minh đường" theo thuật phong thủy, tạo cảnh quan hữu tình và điều hòa không khí. Nằm giữa lòng hồ là đảo Tịnh Khiêm xanh mát, nơi vua Tự Đức từng ngự giá thưởng ngoạn, trồng cây quý và chăm sóc các loài thú hiếm.

Gợi ý trải nghiệm cho du khách: Tản bộ quanh hồ và thư giãn, chụp ảnh lưu niệm.

Hồ Lưu Khiêm

Hồ Lưu Khiêm (Nguồn: Internet)

Check-in khu vực hồ Lưu Khiêm

Check-in khu vực hồ Lưu Khiêm (Nguồn: Internet)

3.3. Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ

Đây là hai thủy tạ được dựng trên mặt nước hồ Lưu Khiêm, nơi vua thường đến ngắm cảnh, đọc sách, làm thơ, thưởng trà, hóng mát. Các mái của thủy tạ có các đầu rồng làm máng thoát nước, tận dụng nước mưa chảy xuống như thác, tạo cảnh quan đẹp mắt.

  • Xung Khiêm Tạ nằm ở phía bên trái hồ, nổi bật với kiến trúc "trùng thềm điệp ốc" và nhiều câu liễn, câu đối của vua Tự Đức và thơ của vua Thiệu Trị. còn có một sân khấu lớn, là nơi biểu diễn tuồng và kịch, phục vụ các buổi uống trà và ngắm cảnh
  • Dũ Khiêm Tạ là bến thuyền dành riêng cho vua mỗi khi ngự thuyền dạo chơi trên hồ. Công trình được xây dựng bằng gỗ theo kiểu kiến trúc tầng lớp thanh thoát, từ đây có thể phóng tầm mắt bao quát toàn cảnh mặt hồ thơ mộng và yên bình.

Gợi ý trải nghiệm cho du khách:

  • Tại Xung Khiêm Tạ, bạn có thể xem biểu diễn nghệ thuật Cung Đình Huế vào khung giờ từ 9:00 - 10:00 và từ 14:30 - 15:30.
  • Ngoài ra, nơi đây còn là một trong những điểm chụp ảnh đẹp nhất trong khuôn viên lăng Tự Đức với khung cảnh thanh bình bên hồ và kiến trúc hài hòa với thiên nhiên.

Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ

Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ (Nguồn: Internet)

Check-in tại nhà tạ trên hồ

Check-in tại nhà tạ trên hồ (Nguồn: Internet)

3.4. Khiêm Cung Môn

Khiêm Cung Môn nằm đối diện hồ Lưu Khiêm, được xây theo lối cổng tam quan hai tầng dạng vọng lâu. Đây là cánh cổng chính dẫn vào khu vực tẩm điện - nơi làm việc và nghỉ ngơi của nhà vua. Kiến trúc mái ngói âm dương của Khiêm Cung Môn mang dáng "mũi hài" đặc trưng của nhà Nguyễn; phần diềm mái ngói được đắp hình ảnh "lưỡng long chầu nguyệt" tinh xảo, biểu tượng cho tâm linh thần phục thánh thần và mang ý nghĩa mưa thuận gió hòa.

Gợi ý trải nghiệm cho du khách: Chụp ảnh lưu niệm với kiến trúc cổ kính.

Khiêm Cung Môn

Khiêm Cung Môn là cổng dẫn vào khu tẩm điện chính (Nguồn: Internet)

Check-in tại Khiêm Cung Môn

Check-in tại Khiêm Cung Môn (Nguồn: Internet)

3.5. Hoà Khiêm Điện

Đây là một trong những công trình trung tâm trong tổng thể lăng, nằm ở vị trí cao và thoáng đãng. Hòa Khiêm Điện có kiến trúc nhà rường ba gian hai chái cổ điển và cân đối, nổi bật với các trụ cột gỗ lớn, mái ngói lưu ly cổ và các bức hoành phi chạm trổ cầu kỳ. Trước đây, tẩm điện này từng là nơi vua Tự Đức từng làm việc, nghỉ ngơi. Sau khi vua băng hà, điện trở thành nơi thờ cúng bài vị của vua và hoàng hậu Lệ Thiên Anh.

Hai bên Hòa Khiêm Điện là Pháp Khiêm Vu và Lễ Khiêm Vu dành cho quan võ theo hầu vua khi ông ở đây.

Gợi ý trải nghiệm cho du khách: Chiêm ngưỡng các hiện vật cổ, đồ tế lễ; tìm hiểu nghi thức thờ tự và văn hóa tâm linh thời Nguyễn; chụp ảnh lưu niệm.

Khu vực thờ tự

Khu vực thờ tự (Nguồn: Internet)

3.6. Minh Khiêm Đường

Minh Khiêm Đường tọa lạc bên trái Hoà Khiêm Điện, là một trong những nhà hát cung đình cổ nhất Việt Nam còn được bảo tồn. Công trình mang đậm phong cách nghệ thuật triều Nguyễn với sân khấu thấp, rèm lụa, đèn lồng và khán phòng nhỏ ấm cúng. Nội thất được bài trí tinh xảo với tường khảm tranh, thơ văn và câu đối; trên trần vẽ Thập Nhị Bát Tú (28 vì sao), các rường cột bằng gỗ quý được chạm khắc hoa văn tỉ mỉ, tạo nên không gian nghệ thuật vừa thanh nhã vừa trang nghiêm.

Gợi ý trải nghiệm cho du khách: Du khách có thể thuê trang phục vua hoặc hoàng hậu để chụp ảnh trên ngai vàng phục dựng, với giá từ 135.000 - 195.000 VND tùy dịch vụ.

Các cổ vật

Các cổ vật bên được lưu giữ trong Minh Khiêm Dường (Nguồn: Internet)

3.7. Lương Khiêm Điện

Nằm phía sau Hòa Khiêm Điện, Lương Khiêm Điện trước kia là nơi vua Tự Đức nghỉ ngơi và sinh hoạt. Hiện nay, điện được dùng để thờ cúng vua Thiệu Trị và bà Từ Dũ. Bên trong điện có các bức hoành phi và câu đối sơn son thếp vàng, mang ý nghĩa triết lý và tôn giáo sâu sắc. Phần mái nổi bật với nhiều chi tiết khảm sành sứ và các ô hộc trang trí chủ đề hoa lá, bát bửu, bát quả.

Lương Khiêm Điện

Lương Khiêm Điện (Nguồn: Internet)

3.8. Khu vực lăng mộ

Bái Đình: Sân chầu rộng với hai hàng tượng quan viên văn võ, voi, ngựa được tạc bằng đá nghiêm trang.

Bi Đình: Là nhà bia nằm cuối Bái Đình, nơi đây đặt tấm bia đá lớn nhất Việt Nam với trọng lượng khoảng 20 tấn. Trên bia khắc bài "Khiêm Cung Ký" dài gần 5.000 chữ do chính vua Tự Đức biên soạn, không chỉ kể về cuộc đời, vương nghiệp mà còn là "bản tự thuật", nhận trách nhiệm về những sai lầm, khuyết điểm trong thời gian trị vì đất nước. Tấm bia này đã được công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2015.

Trụ Biểu: Hai trụ đá cao lớn đứng sừng sững phía sau Bi Đình, tượng trưng cho hai ngọn đuốc vĩnh cửu soi sáng linh hồn nhà vua.

Hồ Tiểu Khiêm: Hồ nhân tạo hình trăng non nằm phía sau Bi Đình.

Bửu Thành: Là khu vực lăng mộ chính của vua Tự Đức, được xây dựng bằng đá với hai lớp tường bao quanh. Phía trước và phía sau mộ đều có bức bình phong để tránh khí xấu, gió độc. Bình phong phía trước (tiền án) được trang trí chữ "Thọ" dạng triện tròn và đôi rồng đối xứng, trong khi bình phong phía sau (hậu chẩm) đơn giản hơn với hình tượng "lưỡng long triều nhật". Đây là lăng mộ tượng trưng để đề phòng nạn trộm mộ, vị trí chôn cất chính xác của vua Tự Đức vẫn còn là một bí ẩn.

Gợi ý trải nghiệm cho du khách:

  • Tản bộ quanh rừng thông và thư giãn.
  • Chụp ảnh lưu niệm cùng kiến trúc đặc sắc và bia đá khổng lồ mang đậm yếu tố nhân văn.

Khu lăng mộ nhìn từ trên cao

Khu lăng mộ nhìn từ trên cao (Nguồn: Internet)

Tượng quan viên tạc bằng đá

Tượng quan viên tạc bằng đá (Nguồn: Internet)

Bi Đình - nơi đặt tấm bia nặng 20 tấn khắc bài "Khiêm Cung Ký"

Bi Đình - nơi đặt tấm bia nặng 20 tấn khắc bài "Khiêm Cung Ký" (Nguồn: Internet)

Bửu Thành - nơi đặt lăng mộ tượng trưng của vua Tự Đức

Bửu Thành - nơi đặt lăng mộ tượng trưng của vua Tự Đức (Nguồn: Internet)

3.9. Các công trình khác

Một số công trình khác nằm trong khuôn viên lăng Tự Đức bao gồm:

Khiêm Thọ Lăng (Lăng của hoàng hậu Lệ Thiên Anh): Nằm trong khuôn viên của Khiêm Lăng. Kiến trúc của lăng hoàng hậu có đặc điểm là bức bình phong trang trí hình chim phượng, khác với hình rồng trên lăng mộ vua.

Lăng vua Kiến Phúc: Lăng của ông nhỏ hơn và đơn giản hơn đáng kể so với lăng Tự Đức.

Khiêm Viện/Chí Khiêm Đường: Khu vực sinh hoạt dành riêng cho các phi tần, cung nữ theo hầu nhà vua khi còn sinh thời. Ngày nay, nơi đây được dùng làm nơi thờ cúng các phi tần.

4. Kinh nghiệm tham quan lăng Tự Đức

4.1. Thời điểm lý tưởng

Thời điểm lý tưởng để tham quan lăng Tự Đức là từ tháng 03 đến tháng 08, khi thời tiết khô ráo, trời trong xanh, ít mưa, rất thuận lợi cho việc di chuyển, khám phá và chụp ảnh. Du khách nên ưu tiên tham quan vào buổi sáng để tận hưởng không khí mát mẻ, dễ chịu. Buổi chiều muộn cũng là lựa chọn phù hợp nếu bạn yêu thích khung cảnh tĩnh lặng, tịch mịch, tuy nhiên cần lưu ý khả năng có mưa vào thời điểm này.

Lưu ý:

  • Tháng 05, 06, 07 là giai đoạn Huế vào mùa nóng nhất năm, nếu chọn đi vào thời gian này, bạn nên tránh đến lăng vào buổi trưa nắng gắt.
  • Dù vào mùa khô, thời tiết ở Huế vẫn có thể thay đổi bất ngờ, với một số đợt mưa lạnh ngắn ngày hiếm, xuất hiện không theo quy luật. Vì vậy, bạn nên kiểm tra dự báo thời tiết khoảng 2 - 3 ngày trước khi khởi hành.

Thời điểm tham quan lăng Tự Đức lý tưởng nhất là từ tháng 03 - 08

Thời điểm tham quan lăng Tự Đức lý tưởng nhất là từ tháng 03 - 08 (Nguồn: Internet)

4.2. Chuẩn bị trang phục phù hợp

Trang phục: Nên ăn mặc lịch sự, kín đáo, quần hoặc váy dài qua gối, áo có tay, để thể hiện sự tôn trọng không gian di tích. Để có những bức ảnh ấn tượng và trải nghiệm văn hóa độc đáo, bạn có thể cân nhắc thuê áo dài hoặc cổ phục Việt ngay tại khu vực cổng lăng.

Giày dép: Ưu tiên giày dép thoải mái, dễ di chuyển vì khuôn viên lăng rộng và có nhiều bậc tam cấp.

Vật dụng cần thiết: Mang theo mũ/nón, kem chống nắng, máy ảnh hoăc điện thoại thông minh đầy pin và nước uống cá nhân để đảm bảo sức khỏe và tiện lợi trong suốt hành trình.

Du khách có thể thuê cổ phục để có những tấm ảnh đẹp ấn tượng hơn

Du khách có thể thuê cổ phục để có những tấm ảnh đẹp ấn tượng hơn (Nguồn: Internet)

4.3. Chú ý hành vi và ứng xử

Khi ở trong khuôn viên lăng, hãy luôn cư xử tôn trọng, giữ trật tự và tránh gây ồn ào ảnh hưởng đến không gian linh thiêng. Tuyệt đối không leo trèo lên các bức tường cổ, chạm vào các hiện vật trưng bày hoặc có những hành động thiếu văn hóa làm ảnh hưởng đến di tích.

4.4. Lộ trình tham quan

Thời lượng: Bạn cần tối thiểu khoảng 60 phút để có thể khám phá toàn bộ quần thể Lăng Tự Đức một cách sơ bộ. Tuy nhiên, nếu bạn muốn dừng lại lâu hơn ở mỗi công trình, tìm hiểu sâu hơn về lịch sử và kiến trúc, hoặc chụp nhiều ảnh, thời gian tham quan có thể kéo dài hơn, khoảng 1,5 đến 2 giờ.

Công trình trùng tu: Một số khu vực có thể đang trong quá trình trùng tu để phục vụ công tác bảo tồn. Bạn nên tuân thủ biển báo và không cố vào khu vực đang thi công bên trong để đảm bảo an toàn.

Thứ tự tham quan: Sau khi soát vé, du khách sẽ đi qua cổng chính Vũ Khiêm Môn để vào bên trong lăng. Hành trình tham quan thường theo hình vòng cung, bắt đầu từ Vũ Khiêm Môn, đến Chí Khiêm Đường, hồ Lưu Khiêm, tiếp tục qua khu tẩm điện, đến khu lăng mộ, sau cùng tới cổng ra tại Thượng Khiêm Môn.

Lưu ý: Để thuận tiện hơn, du khách có thể đăng ký sử dụng dịch vụ thuyết minh tự động kèm bản đồ lộ trình tham quan ngay tại quầy bán vé với giá 50.000 VND/lượt.

5. 3+ Hoạt động thú vị sau khi tham quan lăng Tự Đức

Sau khi đắm mình trong không gian thơ mộng và uy nghiêm của lăng Tự Đức, du khách có thể tiếp tục hành trình khám phá những điểm đến thú vị gần đó, mang đến những trải nghiệm đa dạng về lịch sử, văn hóa và ẩm thực Huế.

5.1. Tham quan Lăng Đồng Khánh

Lăng Đồng Khánh nằm cách lăng Tự Đức chỉ một quãng ngắn khoảng 300m. Khác với lăng Tự Đức thơ mộng, trang nhã, lăng Đồng Khánh lại nổi bật với kiến trúc mang đậm dấu ấn giao thoa Á - Âu, thể hiện rõ nét qua các họa tiết trang trí sặc sỡ, những bức phù điêu tráng lệ và sử dụng vật liệu hiện đại hơn.

5.2. Thưởng thức ẩm thực

Huế nổi tiếng với nền ẩm thực vô cùng phong phú và tinh tế. Các món bánh Huế như bánh bèo - nậm - lọc trứ danh, bánh khoái giòn rụm, hay bánh ép nóng hổi đều là những lựa chọn rất đáng để trải nghiệm. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy những quán ăn địa phương trên đường về hoặc khu vực trung tâm thành phố. Ngoài ra, đừng quên thử một ly nước mía mát lạnh để giải khát sau hành trình khám phá, cảm nhận hương vị ngọt ngào, dân dã của Huế.

5.3. Tham quan làng hương Thuỷ Xuân

Làng hương Thuỷ Xuân cách lăng Tự Đức khoảng 2km, nổi tiếng với nghề làm hương trầm suốt hàng trăm năm. Nơi đây nổi bật bởi những quầy hương rực rỡ sắc đỏ, vàng, xanh, tím, v.v. được sắp xếp thẩm mỹ, sống động như một “cánh đồng hoa hương”. Du khách đến đây có thể tận mắt chứng kiến quy trình làm hương thủ công, thử se hương bằng tay và lưu lại những bức ảnh check-in đặc sắc.

Lăng Tự Đức không chỉ đơn thuần là nơi an nghỉ của một vị vua, mà còn là quần thể hành cung độc đáo, nơi kết hợp giữa nghỉ dưỡng, thờ tự và nghệ thuật sống. Sự hài hòa giữa kiến trúc và cảnh quan nơi đây không chỉ tạo nên một kiệt tác nghệ thuật cổ kính mà còn khiến lăng Tự Đức trở thành điểm đến đặc biệt, không thể trộn lẫn giữa các lăng tẩm triều Nguyễn. Với không gian trầm mặc, thơ mộng và đầy chiều sâu, lăng Tự Đức sẽ để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng mỗi du khách ghé thăm.

Đừng quên theo dõi lịch bay và ưu đãi từ Vietnam Airlines để lên kế hoạch ghé thăm Lăng Tự Đức trong hành trình khám phá Huế đầy cảm xúc của bạn.