Du lịch An Giang: Về miền Thất Sơn Huyền Bí, say mê sắc màu văn hóa

Du lịch An Giang là hành trình đưa bạn về với vùng đất biên giới đầy sắc màu văn hóa và tâm linh. Nơi đây không chỉ nổi bật với dãy Thất Sơn huyền bí, rừng tràm Trà Sư xanh ngút ngàn, mà còn gây ấn tượng bởi cuộc sống dung dị, chan hòa của người dân miền Tây. Mỗi bước chân đặt đến An Giang là một lần khám phá những điều vừa lạ, vừa gần gũi, khiến ai đi rồi cũng muốn quay lại.

An Giang nổi tiếng với những ngôi chùa linh thiêng

An Giang nổi tiếng với những ngôi chùa linh thiêng (Nguồn: Internet).

1. Giới thiệu đôi nét về An Giang

1.1. Vị trí địa lý An Giang

Nếu bạn đang tìm kiếm một điểm đến vừa có núi non hùng vĩ, vừa có đồng bằng trù phú, lại mang đậm bản sắc văn hóa vùng sông nước miền Tây, thì du lịch An Giang chính là lựa chọn không thể bỏ qua.

An Giang nằm ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tiếp giáp với Campuchia và là cửa ngõ giao thương giữa Việt Nam và các nước Đông Nam Á qua đường bộ. Tỉnh này có hai thành phố lớn là Long Xuyên và Châu Đốc, cùng nhiều huyện mang đậm nét văn hóa đặc trưng như Tịnh Biên, Tri Tôn, Phú Tân, v.v.

Hình ảnh An Giang trên bản đồ

Hình ảnh An Giang trên bản đồ (Nguồn: Internet).

1.2. Hướng dẫn di chuyển đến An Giang

1 - Máy bay: Dành cho du khách xuất phát từ Hà Nội, Đà Nẵng hoặc các thành phố lớn phía Bắc và miền Trung. Do An Giang chưa có sân bay, du khách có thể chọn chuyến bay đến sân bay Cần Thơ hoặc sân bay Tân Sơn Nhất, sau đó tiếp tục đi xe khách hoặc thuê xe riêng để đến An Giang.

Để dễ dàng lên kế hoạch và chọn chuyến bay phù hợp, bạn có thể tra cứu lịch bay và đặt vé trực tuyến tại website chính thức của Vietnam Airlines.

Bay cùng Vietnam Airlines để trải nghiệm dịch vụ hàng không tốt nhất

Bay cùng Vietnam Airlines để trải nghiệm dịch vụ hàng không tốt nhất (Nguồn: Vienam Airlines).

2 - Xe khách: Dành cho những ai ở Thành phố Hồ Chí Minh hoặc các tỉnh miền Tây. Thời gian di chuyển khoảng 6 - 7 tiếng. Giá vé khoảng 150.000 - 250.000 VND (tùy loại xe: ghế ngồi, giường nằm, limousine)

3 - Phương tiện cá nhân: Từ Thành phố Hồ Chí Minh, bạn có thể theo quốc lộ 1A hướng về Long An, sau đó rẽ vào quốc lộ 80 hoặc quốc lộ 91 để đến An Giang. Tổng quãng đường khoảng 200km và mất khoảng 5 đến 7 tiếng.

2. Những địa điểm du lịch nổi bật ở An Giang

2.1. Những địa điểm du lịch sinh thái đặc sắc

1 – Rừng Tràm Trà Sư: trải rộng hơn 845ha, là một trong những khu bảo tồn thiên nhiên tiêu biểu của đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây có đến 70 loài chim, 11 loài thú, hơn 140 loài thực vật, bao gồm cả vài loài quý, nằm trong Sách đỏ Việt Nam.

Rừng Tràm Trà Sư

Rừng Tràm Trà Sư (Nguồn: Internet).

2 – Búng Bình Thiên: cách Châu Đốc khoảng 25km, là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất miền Tây, trải rộng gần 200ha.

3 – Hồ Đá Đồi Tà Pạ: Được mệnh danh là “tuyệt tình cốc” giữa miền Tây, hồ nằm yên bình dưới chân núi tại vùng Tri Tôn. Vách đá chắn hai bên, mặt hồ trong vắt có thể nhìn thấy đáy, khung cảnh hữu tình và rất lý tưởng cho cắm trại, check in sống ảo.

4 – Hồ Ô Thum: Ẩn mình giữa những ngọn đồi Tức Dụp, đây là hồ nước nhỏ nhưng đầy sức hút với phong cảnh sơn thủy hữu tình, bao quanh là núi non hùng vĩ.

5 – Hồ Latina: Mang dáng dấp chốn thiên đường hoang sơ, hồ nằm dưới chân núi Cấm với không gian yên tĩnh và mặt nước trong xanh như gương phản chiếu và khung cảnh núi đá bao quanh hùng vĩ.

6 – Hồ Soài So: là hồ chứa nước lớn nhất An Giang, rộng khoảng 5ha, được bao bọc bởi dãy Thất Sơn, cảnh quan thanh bình.

7 – Cánh đồng hoa dừa cạn tím: Tọa lạc tại huyện Phú Tân, cánh đồng hoa dừa cạn tím rộng hơn 7.000 m² gây ấn tượng mạnh với gam màu tím, hồng và trắng trải dài như thảm hoa, đặc biệt từ tháng 5 đến tháng 11.

8 – Vườn dâu tằm xã Mỹ Khánh: Cách trung tâm Long Xuyên không xa, vườn dâu tằm ở xã Mỹ Khánh mang đến trải nghiệm thư giãn. Khu vườn rộng rãi, thoáng mát, phù hợp cho gia đình và nhóm bạn trẻ đến vui chơi, chụp ảnh và tìm hiểu về mô hình nông nghiệp địa phương.

9 – Khu du lịch Núi Sập: Nơi đây có hệ thống hang động độc đáo, các ngôi chùa nằm nép mình dưới chân núi cùng hồ nước nhân tạo tạo nên phong cảnh hài hòa.

Khu du lịch Núi Sập

Khu du lịch Núi Sập (Nguồn: Internet).

10 – Khu du lịch Núi Sam Châu Đốc: là điểm du lịch nổi tiếng, gắn liền với tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ. Nơi đây còn còn có nhiều chùa, am, hang động linh thiêng, thu hút đông đảo du khách hành hương.

2.2. Những địa điểm khám phá sông nước An Giang được yêu thích

1 – Chợ nổi Long Xuyên: nằm trên sông Hậu, họp từ khoảng 4 - 6 giờ sáng đến 8 - 10 giờ, khi trời còn sương nhẹ, tạo nên khung cảnh thanh bình và đậm chất miền Tây.

2 – Chợ Tịnh Biên: cách TP. Châu Đốc khoảng 20 - 25km, đến đây du khách có thể trải nghiệm không khí buôn bán đặc trưng, mua sắm đồ thủ công, thực phẩm biên giới hoặc nếm thử các món ăn bản địa mang phong cách Á – Đông.

3 – Làng Chăm Châu Phong: là nơi lưu giữ nền văn hóa Chăm rực rỡ giữa miền sông nước. Du khách có thể tìm hiểu lối kiến trúc nhà ở truyền thống, nghề dệt may thủ công, tham gia lễ hội của cộng đồng Chăm, v.v.

Làng Chăm Châu Phong

Làng Chăm Châu Phong (Nguồn: Internet).

4 – Nhà hàng Trại Cá Sấu Long Xuyên: là một trong năm cơ sở nuôi cá sấu lớn nhất Việt Nam với khoảng hơn 10.000 con cá sấu lớn nhỏ, đem lại sự thú vị với những du khách muốn trải nghiệm điều gì đó khác lạ giữa miền sông nước.

5 – Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng: là di tích quốc gia đặc biệt từ năm 2012, bao gồm nhà sàn thời niên thiếu, đền thờ, phòng trưng bày hiện vật, tượng đài và cả chiếc máy bay YAK‑40.

2.3. Địa điểm du lịch văn hóa tâm linh

1 – Miếu Bà Chúa Xứ: được xây dựng từ năm 1824 và trùng tu vào khoảng 1870, miếu là nơi thờ tượng tượng được cho là khắc họa thần Vishnu hoặc thần Khmer cổ, có niên đại từ thế kỷ VI.

2 – Tây An Cổ Tự: Nằm ngay dưới chân Núi Sam, cách miếu Bà vài phút đi bộ, Tây An Cổ Tự được Tổng đốc Doãn Uẩn khởi công xây dựng năm 1847 với mục đích “trấn yên phương Tây”.

3 – Phước Điền Tự – Chùa Hang: hòa quyện giữa khung cảnh tự nhiên và kiến trúc tôn giáo, với lối đi vào qua hang đá. Đây là nơi lý tưởng để tìm kiếm sự thanh tịnh, khám phá dấu tích lịch sử.

Phước Điền Tự – Chùa Hang

Phước Điền Tự – Chùa Hang (Nguồn: Internet).

4 – Phước Lâm Tự – Chùa Lầu: nổi bật với kiến trúc tầng lầu cổ kính, mang đậm phong cách Á Đông. Mặc dù không quá lớn nhưng sự thanh tịnh và nét kiến trúc độc đáo của nơi đây khiến ai đến cũng cảm thấy bình yên.

5 – Chùa Vạn Linh An Giang: là một công trình Phật giáo đồ sộ, uy nghi giữa non cao. Đây là điểm hành hương và thưởng ngoạn rất được lòng du khách mỗi khi đến Núi Cấm.

6 – Chùa Huỳnh Đạo: gây ấn tượng với hồ sen rộng lớn trước chánh điện và màu sắc rực rỡ của kiến trúc hiện đại pha cổ điển.

7 – Chùa Koh Kas/Cổng trời Khmer Koh Kas (Chùa Tual Prasat): mô phỏng kiến trúc Angkor cổ. Nằm tại xã Ô Lâm (Tri Tôn), ngôi chùa được giới trẻ săn đón bởi vẻ đẹp ấn tượng, đậm chất điện ảnh giữa vùng thôn quê thanh bình.

8 – Thánh đường Hồi giáo Jamiul Azhar Mosque: là một trong những thánh đường Hồi giáo lớn và đẹp nhất miền Tây. Với mái vòm xanh ngọc, tháp minaret cao vút, nơi đây thể hiện nét văn hóa đạo Hồi đậm chất của cộng đồng Chăm, là biểu tượng giao thoa tín ngưỡng giữa lòng An Giang đa sắc tộc.

Thánh đường Hồi giáo Jamiul Azhar Mosque

Thánh đường Hồi giáo Jamiul Azhar Mosque (Nguồn: Internet).

3. Đặc sản An Giang nhất định phải thử và mua về làm quà

3.1. Những món ngon nhất định phải ăn khi đến An Giang

1 – Bún cá: Tô bún cá Châu Đốc nổi tiếng với nước dùng màu vàng óng, ngọt thanh từ cá lóc kết hợp với ngải bún, nghệ tươi và bông điên điển tạo nên hương vị không thể nhầm lẫn.

2 – Canh chua cá linh: Đây là món ăn đặc trưng mùa nước nổi, vị chua dịu hòa quyện với vị béo và ngọt tự nhiên của cá linh, thêm bông điên điển và cá lóc tươi tạo nên trải nghiệm ẩm thực đúng thuần miền Tây.

3 – Bánh tằm bì Tân Châu: Sợi bánh tằm mềm, ăn cùng bì heo, đậu phộng rang và nước sốt chua ngọt vừa phải tạo nên món ăn dân dã nhưng đậm đà và ăn là mê.

4 – Lẩu mắm Châu Đốc: Nước dùng đậm vị mắm cá linh hoặc cá sặc, ăn kèm với tôm, cá, thịt ba rọi và hơn chục loại rau đồng nội, mang đến trải nghiệm ẩm thực độc đáo, khó quên.

5 – Bò bảy món núi Sam: Người Châu Đốc chế biến thịt bò thành bảy món đặc biệt để phục vụ du khách tại Núi Sam. Mỗi món như bò nướng, bò hấp gừng, bò tái chanh v.v. đều giữ được hương vị tươi ngon, khó cưỡng.

Những món ăn nhất định phải thử khi tới An Giang

Những món ăn nhất định phải thử khi tới An Giang (Nguồn: Internet).

6 – Cơm tấm Long Xuyên: Cơm tấm dẻo thơm, ăn kèm sườn nướng đậm đà, chả trứng và nước mắm pha chuẩn miền Tây – bữa sáng đầy năng lượng.

7 – Bánh xèo rau rừng: Người An Giang sáng tạo ra món bánh xèo rau rừng dựa trên sự phong phú của thảo mộc địa phương. Bánh giòn rụm, nhân tôm thịt đầy đặn và đặc biệt hấp dẫn khi ăn cùng các loại rau hoang dã như lá cách, lá lụa, đọt choại.

8 – Bánh bò thốt nốt: Người Khmer ở vùng Bảy Núi thường làm bánh bò bằng nước thốt nốt. Loại bánh này có màu vàng tự nhiên, mềm mịn và mang hương thơm đặc trưng của đường thốt nốt tươi.

3.2. Đặc sản nên mua về làm quà khi rời An Giang

1 – Tung lò mò (lạp xưởng bò): là loại lạp xưởng bò trứ danh của cộng đồng Chăm, nổi bật nhờ hương vị đậm đà và cách chế biến cầu kỳ từ thịt bò tươi. Khi nướng lên, tung lò mò tỏa mùi thơm nức mũi, vị béo xen chút chua nhẹ khiến ai ăn một lần là nhớ mãi.

2 – Mắm Châu Đốc: gây thương nhớ bởi vị mặn mòi, thơm nồng đặc trưng từ cá linh, cá sặc hay cá lóc lên men. Mắm có thể ăn sống với rau, pha nước chấm hoặc dùng nấu lẩu, đều mang đến hương vị đậm đà, rất riêng của vùng sông nước.

An Giang nổi tiếng với các loại mắm

An Giang nổi tiếng với các loại mắm (Nguồn: Internet).

3 – Khô rắn: là món đặc sản độc đáo mà không phải vùng nào cũng có. Rắn đồng sau khi làm sạch được tẩm gia vị rồi phơi nắng, cho ra thành phẩm dai mềm, đậm vị, thích hợp làm món nhắm hoặc quà biếu lạ miệng.

4 – Đường thốt nốt: có màu vàng sậm, vị ngọt thanh và mùi thơm tự nhiên của nhựa thốt nốt nguyên chất. Loại đường này thường được dùng để nấu chè, làm bánh hoặc pha nước giải khát, vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe.

5 – Mây gai (trái đặc sản vùng Bảy Núi): i là loại trái rừng hiếm gặp, thường mọc ở vùng núi Bảy Núi. Mỗi quả nhỏ, vỏ nhọn, thịt chua nhẹ. Khi làm mứt hoặc ngâm đường, mây gai có vị thanh mát, lạ miệng và rất đáng để thử.

4. Kinh nghiệm khám phá An Giang trọn vẹn

An Giang không chỉ có cảnh đẹp mà còn là nơi giao thoa văn hóa độc đáo. Để tận hưởng chuyến đi trọn vẹn, bạn nên chuẩn bị kỹ với những kinh nghiệm dưới đây:

  • Chọn thời điểm thích hợp: Tháng 8 - 11 (mùa nước nổi) là lúc An Giang đẹp nhất, với cảnh quan sông nước nên thơ và đặc sản mùa lũ độc đáo như bông điên điển, cá linh.
  • Lên lịch trình cụ thể: Ưu tiên các điểm nổi bật như núi Cấm, rừng tràm Trà Sư, chợ nổi Long Xuyên, làng Chăm Châu Giang và Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam.
  • Tôn trọng văn hóa bản địa: Khi tham quan các địa điểm tâm linh hoặc làng dân tộc thiểu số, nên ăn mặc lịch sự, ứng xử nhẹ nhàng và giữ gìn vệ sinh chung.
  • Chuẩn bị thể lực và tinh thần: Nhiều điểm tham quan như núi Cấm, núi Sam cần đi bộ hoặc leo núi nhẹ, nên mang giày phù hợp và đồ dùng cá nhân cần thiết.

Chuẩn bị kỹ lưỡng để có chuyến đi thật trọn vẹn

Chuẩn bị kỹ lưỡng để có chuyến đi thật trọn vẹn (Nguồn: Internet).

Du lịch An Giang không quá hào nhoáng, nhưng lại có sức hút rất riêng, từ cảnh đẹp núi rừng đến những buổi chợ quê nhộn nhịp, từ món ăn dân dã đến những câu chuyện khó quên. Nếu bạn đang tìm một nơi để tạm xa phố thị ồn ào, thì An Giang chính là điểm dừng chân lý tưởng.

Trải nghiệm miền sông nước và văn hóa độc đáo, đặt vé Vietnam Airlines đi du lịch An Giang ngay để tận hưởng hành trình trọn vẹn.