Thánh đường Tắc Sậy: Kinh nghiệm hành hương & tham quan 2025

Với câu chuyện linh thiêng về Cha Trương Bửu Diệp và kiến trúc độc đáo, Thánh đường Tắc Sậy từ lâu đã trở thành điểm hành hương Công giáo nổi tiếng tại miền Tây Nam Bộ. Không chỉ là nơi tín đồ tìm về cầu nguyện ơn lành, đây còn là một công trình kiến trúc ấn tượng thu hút du khách thập phương đến tham quan, tìm hiểu. Bài viết này sẽ tổng hợp những kinh nghiệm cần thiết, giúp bạn có một chuyến đi trọn vẹn và ý nghĩa.

Giới thiệu về Thánh đường Tắc Sậy

Thánh đường Tắc Sậy là một quần thể kiến trúc tôn giáo quy mô lớn, bao gồm nhà thờ Công giáo và nhiều công trình phụ trợ phục vụ đời sống tâm linh cũng như nhu cầu hành hương của khách thập phương. Nơi đây còn được biết đến với tên gọi “Trung tâm truyền giáo Phanxicô Trương Bửu Diệp” hay “Nhà thờ Cha Diệp”.

Vị trí

Thánh đường tọa lạc tại Ấp 2, xã Tân Phong, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Vị trí nằm ngay trên trục Quốc lộ 1A, cách trung tâm thành phố Bạc Liêu khoảng 39 - 40km và cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 280km.

Thánh đường Tắc Sậy

Thánh đường Tắc Sậy (Nguồn: Internet)

Hướng dẫn di chuyển

Từ Thành phố Hồ Chí Minh hoặc các tỉnh thành khác đến Bạc Liêu:

  • Xe khách: Du khách có thể đặt vé đi Bạc Liêu hoặc về thẳng Nhà thờ Tắc Sậy thông qua các ứng dụng đặt vé trực tuyến hoặc liên hệ trực tiếp tổng đài của các hãng xe. Thời gian di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh mất khoảng 5 - 6 tiếng.
  • Xe máy hoặc ô tô tự lái: Lộ trình phổ biến là theo Quốc lộ 1A, qua các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ rồi tiếp tục đến Bạc Liêu. Tuyến đường này dễ đi, có nhiều trạm dừng chân và quán ăn phục vụ dọc đường.

Từ trung tâm Bạc Liêu đến Thánh đường:

  • Ô tô hoặc xe máy: Du khách đi theo Quốc lộ 1A hướng Cà Mau, chạy thêm khoảng 40km sẽ tới Thánh đường. Thời gian di chuyển tầm 30 - 40 phút. Nếu không có sẵn phương tiện, có thể liên hệ khách sạn đang lưu trú hoặc các dịch vụ cho thuê xe trong khu vực để được hỗ trợ.
  • Taxi: Đặt xe qua các ứng dụng đặt xe công nghệ hoặc liên hệ tổng đài của các hãng taxi.
  • Xe buýt: Tuyến xe buýt số 01 hoạt động liên tục trong ngày, có điểm dừng tại gần Thánh đường Tắc Sậy.

Lưu ý: Để thuận tiện và an tâm hơn, du khách cũng có thể tham khảo các tour hành hương trọn gói đến Thánh đường Tắc Sậy với chi phí khoảng 700.000 VND/người (thời gian 1 ngày 1 đêm). Tour thường đã bao gồm xe đưa đón, ăn uống, nghỉ ngơi và hướng dẫn viên đi cùng.

Thánh đường Tắc Sậy nhìn từ trên cao

Thánh đường Tắc Sậy nhìn từ trên cao (Nguồn: Internet)

Lịch sử hình thành và phát triển của Thánh đường Tắc Sậy

Nguồn gốc tên gọi

Tên gọi “Tắc Sậy” bắt nguồn từ con đường tắt dẫn vào nhà thờ, xung quanh phủ đầy lau sậy. Theo cách phát âm miền Nam, “tắt” dần được nói trại thành “tắc”. Từ đó, cái tên nhà thờ Tắc Sậy ra đời và gắn bó đến nay.

Lịch sử hình thành

  • Năm 1925: Nhà thờ Tắc Sậy được thành lập, ban đầu là một nhánh của họ đạo Bạc Liêu và trực thuộc Giáo phận Cần Thơ, do linh mục người Pháp Jules Ducquet khởi xướng. Vào thời gian này, nơi đây chỉ là một nhà thờ đơn sơ bằng cây rừng vách lá, chủ yếu phục vụ một nhóm giáo dân ít ỏi sinh sống trong vùng.
  • Năm 1926: Cha Phaolô Trần Minh Kính được bổ nhiệm làm cha xứ đầu tiên, bắt đầu tổ chức và quản lý giáo xứ.
  • Năm 1930: Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp tiếp quản giáo xứ Tắc Sậy thay Cha Kính.

Vai trò của Cha Trương Bửu Diệp

Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp (1897 - 1946) là nhân vật trung tâm trong lịch sử của Tắc Sậy, có nhiều đóng góp to lớn trong việc củng cố đời sống tôn giáo, hỗ trợ giáo dân nơi đây cả về vật chất và tinh thần:

  • Xây dựng và mở rộng cơ sở vật chất của nhà thờ, chuyển nhà thờ từ vị trí khuất bên trong ra mặt tiền Quốc lộ 1A.
  • Thiết lập các công đoàn Công giáo mới như Khúc Tréo, Bà Đốc, An Hải, Chủ Chí, Đầu Sấu, Đồng Gò, Rạch Rắn, v.v.
  • Trong bối cảnh chiến tranh loạn lạc (1945 - 1946), với tấm lòng bác ái, Cha Diệp chọn ở lại với giáo dân bất chấp nguy hiểm. Năm 1946, ngài bị bắt cùng 70 giáo dân và đã dũng cảm hy sinh mạng sống để bảo vệ cộng đoàn, được người dân nơi đây ghi nhớ như một vị mục tử nhân hậu và quả cảm.

Linh mục Phanxicô Trương Bửu Diệp

Linh mục Phanxicô Trương Bửu Diệp (Nguồn: Internet)

Phát triển và trùng tu

Sau năm 1946, dù trải qua nhiều biến động về an ninh và xã hội, các vị linh mục kế nhiệm luôn kiên trì gìn giữ và phát triển họ đạo. Nhờ sự đồng lòng của giáo dân và sự dấn thân không mệt mỏi của các mục tử, Thánh đường Tắc Sậy từng bước khởi sắc, trở thành điểm tựa đức tin cho cộng đoàn Công giáo miền Tây.

Với sự chung tay góp sức của giáo dân và du khách thập phương, nhà thờ đã được trùng tu nhiều lần. Một số sự kiện nổi bật có thể kể đến:

  • Năm 1969: Hài cốt của Cha Diệp được cải táng và đưa về an nghỉ trong khuôn viên nhà thờ Tắc Sậy.
  • Năm 2004: Diễn ra lễ đặt viên đá đầu tiên để xây dựng Thánh đường Tắc Sậy khang trang, còn gọi là Nhà thờ Cha Diệp như diện mạo ngày nay.
  • Năm 2010: Hài cốt Cha Diệp được cải táng lần hai và chuyển vào khu mộ phần mới, trở thành điểm hành hương linh thiêng thu hút hàng ngàn lượt khách mỗi năm.

Hiện trạng và ý nghĩa

Ngày nay, Thánh đường Tắc Sậy là trung tâm hành hương Công giáo lớn nhất miền Tây, thu hút hàng ngàn tín hữu và du khách viếng thăm mỗi năm, đặc biệt đông đảo vào dịp giỗ Cha Diệp (11/03 - 12/03).

Không chỉ là nơi thờ phụng, nhà thờ còn trở thành điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, trong đó có số lượng lớn khách hành hương không phải là người theo đạo, cho thấy sức ảnh hưởng của Cha Diệp và giá trị tinh thần sâu sắc mà thánh đường mang lại.

Ngày nay, Thánh đường Tắc Sậy là trung tâm hành hương Công giáo

Ngày nay, Thánh đường Tắc Sậy là trung tâm hành hương Công giáo lớn nhất miền Tây (Nguồn: Internet)

Kiến trúc và không gian Thánh đường Tắc Sậy

Thánh đường Tắc Sậy là điểm hành hương Công giáo lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó, khu vực nhà thờ trung tâm có sức chứa lên đến hàng ngàn người. Tổng thể công trình kết hợp hài hòa các yếu tố Á Đông - Nam Bộ truyền thống và phong cách Gothic phương Tây, mang vẻ trang nghiêm mà không kém nét gần gũi.

Các khu vực chính

Nhà thờ chính (Thánh đường)

Nhà thờ có thiết kế gồm 3 tầng, với tầng trệt là khu vực nghỉ chân cho khách hành hương, tầng 2 và 3 là không gian cử hành Thánh lễ. Những điểm nhấn kiến trúc ở khu vực này có thể kể đến:

  • Tháp chuông cao 30m với tượng thánh đặt trang trọng trên đỉnh
  • Cung thánh được ốp gỗ quý, trang trí bằng họa tiết chạm khắc tinh xảo
  • Bàn thờ chính làm bằng đá cẩm thạch nguyên khối cùng với tượng Chúa Giêsu và các thánh, mang lại vẻ trang trọng, linh thiêng.
  • Nhiều bức tượng gỗ trang trí được mô phỏng theo tinh thần tín ngưỡng Công giáo, vừa cổ kính vừa ấm cúng.

Kiến trúc bên ngoài khu nhà thờ chính

Kiến trúc bên ngoài khu nhà thờ chính (Nguồn: Internet)

Khu vực cử hành Thánh lễ với sức chứa hàng ngàn người

Khu vực cử hành Thánh lễ với sức chứa hàng ngàn người (Nguồn: Internet)

Khu mộ phần Cha Trương Bửu Diệp

Công trình được thiết kế với ba nóc mái, trong đó nóc chính giữa cao hơn và gắn đồng hồ lớn tạo điểm nhấn kiến trúc đặc trưng. Mộ phần Cha Diệp được xây dựng bằng đá cẩm thạch trắng, có hình lục giác tượng trưng cho sự trường tồn và linh thiêng. Bên cạnh là tượng gỗ Cha Diệp cao 2,5m chạm khắc tinh xảo, được an vị từ năm 2008.

Nơi an nghỉ của Cha Trương Bửu Diệp

Nơi an nghỉ của Cha Trương Bửu Diệp (Nguồn: Internet)

Khu mộ phần Cha Diệp

Khu mộ phần Cha Diệp (Nguồn: Internet)

Công trình phụ trợ

Trung tâm hành hương Cha Diệp: Nằm liền kề thánh đường, là nơi lưu giữ các tài liệu, hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Cha Diệp.

Công trình khác: Phòng nghỉ miễn phí cho khách hành hương, cùng các tiện ích như nhà vệ sinh, bãi đỗ xe, khu vực ăn uống, quầy phục vụ nhu yếu phẩm.

Vườn cây và cảnh quan: Khuôn viên nhà thờ có các lối đi lát đá, cây xanh, hoa kiểng, và các tiểu cảnh tôn giáo, tạo không gian thanh tịn và yên bình.

Toà nhà Trung tâm hành hương Cha Diệp

Toà nhà Trung tâm hành hương Cha Diệp (Nguồn: Internet)

Một phần khuôn viên Thánh đường Tắc sậy

Một phần khuôn viên Thánh đường Tắc sậy (Nguồn: Internet)

5 Hoạt động và trải nghiệm tại Thánh đường Tắc Sậy

Với kiến trúc độc đáo và không gian linh thiêng gắn liền với Cha Trương Bửu Diệp, Thánh đường Tắc Sậy mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm tinh thần sâu sắc.

Viếng mộ Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp

Đây là một trong những hoạt động chính yếu khi viếng thăm Thánh đường Tắc Sậy. Rất nhiều giáo dân khắp nơi tìm về đây để thành tâm khấn nguyện, xin ơn lành, bình an và sức khỏe cho bản thân và gia đình, với lòng tin sâu sắc vào sự linh thiêng và che chở của Cha Diệp.

Không chỉ có người Công giáo, nhiều du khách không theo đạo cũng có thể đến viếng mộ để thể hiện lòng kính mến, gửi gắm lời nguyện cầu cho công việc, học tập hay đời sống cá nhân. Bầu không khí tĩnh lặng, trang nghiêm nơi khu mộ phần mang lại cảm giác thanh thản và nhẹ lòng, giúp người viếng thăm như được xoa dịu những ưu phiền thường nhật.

Du khách viếng mộ Cha Diệp

Du khách viếng mộ Cha Diệp (Nguồn: Internet)

Tham dự thánh lễ

Nếu đến vào đúng khung giờ hành lễ, du khách có thể tham dự các buổi thánh lễ diễn ra định kỳ trong ngày, cảm nhận sự an yên qua tiếng thánh ca vang vọng. Đây là dịp để hòa mình vào không gian thiêng liêng của cộng đoàn Công giáo, lắng nghe lời giảng dạy, suy ngẫm về đức tin và tinh thần bác ái.

Đặc biệt, vào các ngày lễ lớn như Giáng Sinh (24/12), Phục Sinh (Chủ nhật của tuần đầu tiên vào tháng 04) hay ngày giỗ Cha Diệp (11/03 và 12/03), thánh lễ thu hút đông đảo giáo dân và du khách, mang đến trải nghiệm tâm linh sâu sắc giữa bầu không khí thiêng liêng, đầy lòng mộ đạo.

Lưu ý: Du khách không phải là giáo dân chỉ tham dự thánh lễ, không được rước lễ.

Du khách có thể tham gia xem thánh lễ được cử hành

Du khách có thể tham gia xem thánh lễ được cử hành tại nhà thờ theo khung giờ cố định trong ngày (Nguồn: Internet)

Các ngày lễ lớn thu hút đông đảo giáo dân và du khách

Các ngày lễ lớn thu hút đông đảo giáo dân và du khách đến Thánh đường Tắc Sậy dự thánh lễ (Nguồn: Internet)

Tham quan Thánh đường

Như đã đề cập, Thánh đường Tắc Sậy gây ấn tượng mạnh với kiến trúc độc đáo, được xem là một trong những nhà thờ đẹp nhất miền Tây. Du khách khi đến đây đừng quên dành thời gian dạo bước tham quan các khu vực trong quần thể, đặc biệt là chiêm ngưỡng không gian rộng lớn và nội thất cung thánh được trang trí tinh xảo. Từng chi tiết đều phản ánh sự tôn nghiêm và lòng thành kính, mang đến trải nghiệm vừa mãn nhãn vừa thiêng liêng.

Tham quan và check-in tại Thánh đường Tắc Sậy

Tham quan và check-in tại Thánh đường Tắc Sậy (Nguồn: Internet)

Tìm hiểu về Cha Diệp và đạo Công giáo

Tại Trung tâm Hành hương Cha Diệp nằm trong khuôn viên Thánh đường, du khách có thể tìm hiểu sâu hơn về cuộc đời và sự hy sinh của Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp - vị linh mục được các con chiên tôn kính như một “thánh sống”.

Thông qua các tư liệu, hình ảnh và hiện vật trưng bày, bạn sẽ cảm nhận rõ nét hơn về lòng bác ái, đức tin Công giáo và những đóng góp to lớn của Cha Diệp cho cộng đồng. Đây không chỉ là một trải nghiệm văn hóa và tâm linh ý nghĩa, mà còn là dịp để hiểu thêm về lịch sử, tín ngưỡng và tinh thần nhân đạo của người dân miền Tây Nam Bộ.

Một góc Trung tâm Hành hương Cha Diệp

Một góc Trung tâm Hành hương Cha Diệp (Nguồn: Internet)

Nhiều tín hữu được ơn cũng dâng tặng tượng Cha Diệp

Nhiều tín hữu được ơn cũng dâng tặng tượng Cha Diệp với nhiều chạm khắc công phu (Nguồn: Internet)

Mua quà lưu niệm

Trong khuôn viên Thánh đường Tắc Sậy, du khách có thể ghé thăm các gian hàng quà lưu niệm với nhiều sản phẩm phong phú như: ảnh Cha Diệp, tượng thánh, dây chuỗi, nến thánh; cùng những đặc sản miền Tây như bánh pía, nước mắm Bạc Liêu. Những món quà này không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn là kỷ niệm ý nghĩa cho chuyến hành hương, đồng thời cũng rất phù hợp để biếu tặng người thân hoặc làm vật phẩm cầu may, giữ gìn niềm tin và sự an lành.

Kinh nghiệm hành hương tại Thánh đường Tắc Sậy

Để chuyến viếng thăm Thánh đường Tắc Sậy diễn ra suôn sẻ, trang nghiêm và trọn vẹn ý nghĩa tâm linh, bạn nên tham khảo một số thông tin và kinh nghiệm hữu ích dưới đây.

Giờ lễ và thời gian tham quan

Vé tham quan: Miễn phí, mở cửa đón khách từ sáng sớm đến tối muộn.

Giờ Thánh lễ: Các Thánh lễ diễn ra đều đặn mỗi ngày, tạo điều kiện cho du khách linh hoạt sắp xếp thời gian tham dự.

  • Ngày thường: Buổi sáng 05:00 và 09:00; buổi chiều 17:00
  • Chủ nhật: Buổi sáng 05:00, 07:00 và 09:00; buổi chiều 17:00

Giờ hành hương: Khu vực mộ phần Cha Diệp và các không gian cầu nguyện mở cửa từ 04:00 đến 21:00, phục vụ đông đảo khách hành hương và các tín hữu thập phương.

Liên hệ nhà thờ: Số điện thoại 0291 3850 418.

Thánh lễ được cử hành mỗi ngày

Thánh lễ được cử hành mỗi ngày, các giáo dân và du khách đều có thể tham gia (Nguồn: Internet)

Thời điểm lý tưởng để viếng thăm

Để có trải nghiệm thuận lợi và tốt nhất, du khách nên cân nhắc các thời điểm sau:

  • Buổi sáng sớm (05:00 - 09:00): Không khí mát mẻ, trong lành.
  • Buổi chiều (16:00 - 18:00): Thời tiết dễ chịu, ánh sáng đẹp, lý tưởng để tham quan và chụp ảnh.

Lưu ý: Tránh thời điểm nắng gắt (khoảng 09:00 - 11:00 và 14:00 - 16:00) vì đây là lúc thời tiết oi bức, không thuận lợi cho du khách tham quan.

Lưu ý khi viếng thăm

Dưới đây là một số lưu ý về cách cư xử và an toàn khi tham quan mà du khách nên biết

Trang phục: Ăn mặc lịch sự, kín đáo, phù hợp với không gian tâm linh.

Hành vi và ứng xử

  • Giữ trật tự, tránh đùa giỡn hoặc gây ồn ào.
  • Bất kể bạn có theo đạo Công giáo hay không, việc tôn trọng không gian tôn giáo là điều rất cần thiết. Hãy lưu ý hành xử nhẹ nhàng, giữ thái độ trang nghiêm
  • Tắt chuông điện thoại hoặc để chế độ im lặng khi vào khu vực cầu nguyện.
  • Với các bức tượng Cha Diệp, hạn chế viết lên tượng hoặc vật phẩm trưng bày. Thay vào đó, hãy thể hiện lòng thành bằng lời cầu nguyện trong thinh lặng.
  • Gửi khấn đúng nơi quy định: Thay vì chen vào phòng xin lễ, du khách có thể chuẩn bị sẵn thư nguyện, bỏ vào các thùng khấn được đặt ở nhiều nơi trong khuôn viên. Trung tâm sẽ chuyển các ý lễ này tới các linh mục để hiệp dâng lời cầu nguyện.

Lưu ý an toàn:

  • Do có lượng lớn khách hành hương ghé thăm mỗi ngày, du khách nên mang theo hành lý gọn nhẹ, tránh đeo trang sức giá trị, mang quá nhiều tiền mặt hoặc để các vật dụng quan trọng trong túi xách hở.
  • Khi phát hiện hành vi không phù hợp, hãy thông tin cho lực lượng trật tự trong khuôn viên.

Ăn uống và tiện ích

Ngay khu vực cổng ra vào và trong khuôn viên nhà thờ có nhiều hàng quán phục vụ ẩm thực địa phương như: bún nước lèo, mắm đồng, khô cá, v.v. tiện lợi cho du khách có nhu cầu thưởng thức.

5+ Địa điểm tham quan kết hợp

Bên cạnh hành trình viếng thăm Thánh đường Tắc Sậy, du khách có thể kết hợp ghé thăm một số điểm đến nổi tiếng khác tại Bạc Liêu để hiểu thêm về văn hóa, lịch sử và vẻ đẹp miền Tây:

  • Nhà Công tử Bạc Liêu: Ngôi nhà cổ mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp, gắn liền với giai thoại về công tử Trần Trinh Huy, người được xem là biểu tượng cho sự giàu có và phong cách sống thời thượng ở Nam Kỳ đầu thế kỷ 20.
  • Quan Âm Phật Đài (Mẹ Nam Hải): Tọa lạc tại cửa biển Nhà Mát, đây là công trình tâm linh nổi bật với tượng Quan Âm cao 11m hướng ra biển. Nơi đây thu hút hàng ngàn phật tử và du khách đến cầu an, đặc biệt vào các dịp lễ hội truyền thống.
  • Cánh đồng điện gió Bạc Liêu: Được xem là biểu tượng mới của Bạc Liêu, cánh đồng điện gió nổi bật với hàng chục tuabin khổng lồ giữa biển trời. Đây là điểm check-in lý tưởng cho du khách yêu thích cảnh đẹp thiên nhiên và nhiếp ảnh.
  • Chùa Xiêm Cán:Ngôi chùa Khmer cổ kính tọa lạc gần biển, gây ấn tượng với kiến trúc đậm chất Campuchia, mái vòm chạm trổ tinh xảo và gam màu rực rỡ.
  • Khu du lịch sinh thái Nhà Mát: Khu phức hợp gồm bãi biển Nhà Mát và khu vui chơi giải trí phù hợp cho cả gia đình. Du khách có thể vừa thư giãn dưới làn nước mát, vừa trải nghiệm hồ bơi nước mặn, các trò chơi, nhà hàng và dịch vụ nghỉ dưỡng tiện nghi.

Thánh đường Tắc Sậy được xem là một trong những nhà thờ đẹp nhất các tỉnh Tây Nam Bộ, không chỉ bởi kiến trúc độc đáo mà còn bởi những câu chuyện cảm động về đức tin và lòng hy sinh. Dù bạn đến đây với mục đích tâm linh hay đơn thuần muốn tìm hiểu văn hóa, thánh đường Tắc Sậy đều mang lại những trải nghiệm ý nghĩa. Với vị trí thuận lợi trên Quốc lộ 1A và các dịch vụ hỗ trợ chu đáo, Thánh đường Tắc Sậy là một điểm đến xứng đáng để bạn cân nhắc trong hành trình khám phá xứ Bạc Liêu.

Nếu bạn đang lên kế hoạch khám phá miền Tây, đừng quên để Vietnam Airlines đồng hành cùng bạn trên hành trình kết nối những điểm đến giàu giá trị văn hóa và tinh thần.