TRỢ GIÚP
ĐĂNG NHẬP
ĐĂNG KÝ
Đăng nhập
Quốc gia/Vùng
Ngôn ngữ
Trái ngược với những lăng tẩm uy nghiêm và đền đài tráng lệ của đất cố đô, cầu ngói Thanh Toàn hiện lên với một vẻ đẹp mộc mạc, bình dị nhưng không kém phần độc đáo. Cây cầu toạ lạc giữa những cánh đồng lúa xanh ngát của làng Thanh Thủy Chánh, không chỉ là một công trình dân sinh, mà còn là biểu tượng giao thoa giữa kiến trúc cổ truyền Việt Nam và những giá trị tâm linh, văn hóa bản địa. Đây chính là điểm đến nổi bật cho những ai muốn tìm về một không gian làng quê xứ Huế yên bình và đậm đà bản sắc.
Cầu ngói Thanh Toàn thuộc địa phận làng Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thuỷ, thành phố Huế, cách trung tâm thành phố khoảng 7km về phía đông.
Lộ trình di chuyển:
Để đến được nơi này, từ trung tâm thành phố, du khách đi đến đường Tố Hữu → tới cuối đường thì rẽ phải → tiếp tục di chuyển đến điểm giao với đường Hoàng Quốc Việt thì rẽ trái → khi vào Hoàng Quốc Việt, du khách di chuyển khoảng 5km về hướng chợ Cầu Ngói sau đó đi thẳng đến khi nhìn thấy bảng chỉ dẫn đến cầu ngói Thanh Toàn.
Các phương tiện di chuyển:
Du khách có thể sử dụng nhiều loại phương tiện đa dạng để đến cầu ngói Thanh Toàn:
Con đường về cầu ngói Thanh Toàn là một trong những con đường làng tuyệt đẹp ở Huế. Hai bên đường là những cánh đồng lúa xanh biếc, những vườn cây trĩu quả, tạo nên khung cảnh nông thôn thơ mộng. Đường đi tương đối thuận tiện và thoáng đãng, ít xe cộ qua lại.
Cầu ngói Thanh Toàn (Nguồn: Internet)
Cầu ngói Thanh Toàn được xây dựng vào năm Ất Mùi (1776) dưới thời vua Lê Hiển Tông, cách đây gần 250 năm. Công trình do tấm lòng hảo tâm của bà Trần Thị Đạo - cháu gái của một vị quan lớn dưới triều Lê Hiển Tông - hiến tặng tiền của để xây dựng. Cây cầu giúp người dân trong làng đi lại thuận tiện hơn qua con mương, tránh cảnh phải đi đò ngang cách trở.
Cây cầu không chỉ là dấu ấn hiếu nghĩa mà còn là minh chứng sinh động cho vai trò của phụ nữ trong đời sống cộng đồng xưa. Ghi nhận những đóng góp to lớn đó, vào năm 1925, vua Khải Định đã sắc phong bà Trần Thị Đạo là "Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò" và cho lập miếu thờ ngay trên cầu.
Với giá trị đặc biệt về kiến trúc, lịch sử và văn hoá, vào tháng 07/1990, cầu ngói Thanh Toàn đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích văn hoá cấp Quốc gia.
Cầu ngói Thanh Toàn là một trong số hiếm những cây cầu cổ có mái ngói còn tồn tại ở Việt Nam, bên cạnh chùa Cầu Hội An hay cầu ngói Lưu Câu (Hải Hậu, Nam Định). Cầu được thiết kế theo kiểu “thượng gia hạ kiều” - trên là nhà, dưới là cầu - mang đậm dấu ấn kiến trúc Á Đông truyền thống.
Khi mới xây dựng, cầu dài 18,75m, rộng 5,82m, kết cấu chủ yếu bằng gỗ lim trên 7 nhịp và hệ thống mái lợp ngói liệt men tráng (ngói lưu ly). Hai bên hành lang có ghế ngồi cho khách nghỉ chân, hóng mát, trò chuyện. Trên mái cầu, có chạm khắc các họa tiết tứ linh (long - lân - quy - phụng) và hoa văn hình học mềm mại, mang đậm tính biểu trưng văn hóa Việt.
Khác với nhiều cây cầu gỗ thông thường, cầu ngói Thanh Toàn sở hữu kết cấu chịu lực vững chãi, hệ thống kèo cột được liên kết bằng mộng gỗ truyền thống không dùng đinh sắt, thể hiện trình độ thủ công tinh xảo của các nghệ nhân xưa.
Cầu ngói Thanh Toàn là một trong số ít những cây cầu cổ có kiến trúc thượng gia hạ kiều” còn tồn tại (Nguồn: Internet)
Không chỉ là một công trình kiến trúc cổ kính, cầu ngói Thanh Toàn còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa - cộng đồng đặc sắc của người dân địa phương. Mỗi du khách đến đây không chỉ tham quan, mà còn trải nghiệm một vùng ký ức xứ Huế đậm đà bản sắc.
Dạo bước trên cầu ngói Thanh Toàn là cách lý tưởng để du khách cảm nhận sự tinh tế trong từng đường nét kiến trúc: từ kết cấu gỗ lim chắc chắn, mái ngói rêu phong, cho đến những họa tiết chạm khắc mang dấu ấn tâm linh và tín ngưỡng.
Vào những ngày nắng đẹp, ánh sáng lấp lánh xuyên qua khe ngói tạo nên một khung cảnh vừa trầm mặc, vừa lãng mạn. Đây cũng là địa điểm lý tưởng để du khách check-in sống ảo hoặc chụp ảnh với tà áo dài truyền thống.
Tổng thể kiến trúc của cầu ngói Thanh Toàn (Nguồn: Internet)
Cây cầu lung linh về đêm (Nguồn: Internet)
Hằng năm, vào ngày 15/08 âm lịch, người dân Thanh Thủy Chánh long trọng tổ chức lễ rước bà Trần Thị Đạo - người hiến tiền của xây dựng cầu - để tỏ lòng tri ân. Lễ rước có quy mô lên tới gần 300 người, diễn ra trang nghiêm với các phần chính như: lễ cúng cáo cổ truyền, nghi thức cung nghinh hương linh.
Sau phần nghi lễ sẽ diễn ra các hoạt động truyền thống và trò chơi dân gian như: kéo co, đua thuyền trên sông, hò giã gạo, ca Huế, v.v. tạo nên không gian gắn kết cộng đồng và mang lại nhiều trải nghiệm văn hóa thú vị.
Lễ rước hương linh bà Trần Thị Đạo (Nguồn: Internet)
Chợ quê ngày hội thường được tổ chức trong khoảng thời gian từ tháng 04 - 06 hàng năm, trùng với các sự kiện lớn như Festival Huế và Festival nghề truyền thống Huế. Lễ hội kéo dài từ 3 - 5 ngày, tái hiện sinh động khung cảnh làng quê Việt xưa qua hàng loạt hoạt động văn hóa hấp dẫn:
Hoạt động văn hóa và nghệ thuật: Trình diễn áo dài, giao lưu và trình diễn hò bài chòi, các chương trình văn nghệ quần chúng.
Trò chơi dân gian: Bịt mắt đập om, bịt mắt bắt vịt, nhảy sạp, đi cầu khỉ, nhảy bao bố, đu dây qua sông, đua ghe, hội bài chòi, v.v.
Trải nghiệm sản xuất nông nghiệp: Xay lúa, giã gạo, đạp nước, cất rớ, nấu rượu gạo, làm bánh, chằm nón, giở chẹp, thả lưới, trình diễn đánh bắt cá trên sông Như Ý.
Hoạt động thương mại: Các gian hàng trưng bày nông sản, làng nghề, sản phẩm OCOP, v.v.
Thưởng thức ẩm thực địa phương: Các món ăn dân dã như nem lụi, ốc xào, thị nướng, v.v., ẩm thực chay, đặc sản địa phương như bánh tráng Thủy Dương, bột lọc Thủy Dương, nếp Thủy Phù, v.v.
Triển lãm và trưng bày: Triển lãm ảnh, trưng bày các nông cụ truyền thống, v.v.
Không khí nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm tại cầu ngói Thanh Toàn trong những ngày diễn ra Chợ quê ngày hội (Nguồn: Internet)
Trình diễn áo dài (Nguồn: Internet)
Trình diễn văn nghệ tại Chợ quê ngày hội (Nguồn: Internet)
Tham gia các trò chơi dân gian (Nguồn: Internet)
Hội đua ghe (Nguồn: Internet)
Du khách trải nghiệm đi thuyền hóng mát trên sông (Nguồn: Internet)
Các gian hàng ẩm thực địa phương (Nguồn: Internet)
Bài chòi là một loại hình trò chơi và nghệ thuật dân gian đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. Tại cầu ngói Thanh Toàn, lễ hội Bài Chòi thường được tổ chức vào dịp “Chợ quê ngày hội” hay các sự kiện văn hóa lớn của địa phương.
Chơi Bài Chòi đơn giản là một kiểu ngồi trên chòi đánh bài, nhưng trò chơi có sự kết hợp độc đáo với nghệ thuật diễn xướng bằng lời hát, do Anh Hiệu và Chị Hiệu (người quản trò) đảm nhiệm.
Người chơi ngồi trong các chòi tre nhỏ, mỗi người cầm ba lá bài in hình mộc bản. Từ chòi trung tâm, Anh Hiệu hoặc Chị Hiệu rút thẻ và hô lên những câu hát dí dỏm mang tên lá bài. Ai có lá bài trùng sẽ gõ mõ hoặc hô "có đây" và nhận một lá cờ. Người thắng là người sưu tập đủ 3 cờ trước tiên. Không chỉ mang tính giải trí, Bài Chòi còn là không gian văn hóa sôi nổi, giàu bản sắc và tính giao lưu cộng đồng, khiến du khách trong và ngoài nước đều thích thú.
Lễ hội Bài Chòi tại cầu ngói Thanh Toàn (Nguồn: Internet)
Chợ đêm Thanh Toàn hoạt động vào cuối tuần và các dịp lễ lớn như Festival Huế, mang đến một không gian vừa cổ truyền, vừa hiện đại lại lung linh huyền ảo với:
Không khí chợ đêm sôi động tại cầu ngói Thanh Toàn (Nguồn: Internet)
Chợ đêm bày bán nhiều mặt hàng dân dã (Nguồn: Internet)
Không thể thiếu các sạp hàng và gian hàng ẩm thực đồng quê tại chợ đêm (Nguồn: Internet)
Nhiều mặt hàng lưu niệm cũng được bày bán tại chợ đêm (Nguồn: Internet)
Đốt lửa trại và tham gia các hoạt động cộng đồng tại chợ đêm cầu ngói Thanh Toàn (Nguồn: Internet)
Nhà trưng bày nông cụ nằm ngay bên cạnh cầu, là điểm dừng chân thú vị để khám phá đời sống lao động truyền thống của người dân Thanh Thủy Chánh.
Không gian trưng bày giới thiệu hơn 200 hiện vật và gần 100 hình ảnh tư liệu, tái hiện sinh động quá trình sản xuất nông nghiệp và ngư nghiệp của người dân địa phương qua các thời kỳ như: cối đá xay, bát đĩa sứ cổ, chõng tre, xe quạt lúa, xe đạp nước, lưới đánh cá, ông bù nhìn, v.v. Tất cả được sắp đặt trong bối cảnh đậm chất làng quê, gần gũi và chân thật. Ngoài ra, du khách đến tham quan còn được trực tiếp trải nghiệm các hoạt động dân dã như: xay lúa, giã thóc, sàng gạo, đạp nước, nghe hát ru, v.v.
Nhà trưng bày nông cụ (Nguồn: Internet)
Nhiều hiện vật đặc sắc được trưng bày tại đây (Nguồn: Internet)
Một điểm cộng lớn của khu di tích Cầu ngói Thanh Toàn là việc xây dựng mô hình "Điểm du lịch giảm nhựa”. Du khách đến đây được khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Các tiểu thương tại chợ quê cũng sử dụng lá sen, lá chuối để gói bánh, dùng ống hút tre, ly giấy thay thế đồ nhựa, góp phần tạo nên một hình ảnh du lịch xanh và bền vững.
Cầu ngói Thanh Toàn là một trong những điểm du lịch giảm nhựa tại Huế (Nguồn: Internet)
Thời điểm tham quan: Mùa khô (từ khoảng tháng 03 - tháng 08) là thời điểm lý tưởng cho du khách. Nên đến nơi này vào buổi sáng sớm (trước 09:00) hoặc buổi chiều muộn (sau 15:00) để tránh nắng gắt, tận hưởng không khí trong lành và có ánh sáng đẹp để chụp ảnh.
Trang phục và chuẩn bị cá nhân: Du khách nên mang theo mũ, áo khoác, thoa kem chống nắng vì khu vực tham quan chủ yếu ngoài trời. Ngoài ra, nên mang theo tiền mặt để tiện chi tiêu các dịch vụ xung quanh.
Hành vi ứng xử:
Bảo vệ môi trường và di sản:
Lưu ý khác:
Từ khoảng tháng 03 đến tháng 08 là thời điểm lý tưởng để tham quan cầu ngói Thanh Toàn (Nguồn: Internet)
Để cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của đất cố đô, ngoài cầu ngói Thanh Toàn, còn nhiều điểm đến hấp dẫn khác dành cho bạn:
Cầu Trường Tiền (còn gọi là Tràng Tiền) là một trong những công trình biểu tượng gắn liền với lịch sử và tâm hồn của người Huế. Với thiết kế vòm thép độc đáo, dáng cong mềm mại và sắc bạc ánh lên rực rỡ trong ánh hoàng hôn, cây cầu bắc ngang sông Hương này từ lâu đã trở thành điểm check-in không thể bỏ qua.
Khi đêm về, hệ thống đèn LED rực rỡ biến cây cầu thành dải sáng lung linh đủ màu sắc, soi bóng xuống dòng sông Hương lặng trôi. Dạo bước trên cầu, bạn sẽ cảm nhận rõ nhịp sống chậm rãi, an yên - một phần rất riêng trong nhịp thở của vùng đất cố đô.
Cầu Trường Tiền (Nguồn: Internet)
Chỉ mất chưa đầy 15 phút di chuyển từ cầu ngói Thanh Toàn, Cung An Định hiện ra với vẻ đẹp xa hoa, kết hợp hài hoà giữa nghệ thuật phương Tây và kiến trúc cung đình triều Nguyễn. Nơi đây gây ấn tượng mạnh bởi các bức phù điêu chạm trổ tinh xảo, hoạ tiết trang trí tinh mỹ và màu sơn vàng cổ kính. Cung điện từng là nơi sinh sống của vua Khải Định và gia đình vua Bảo Đại, hiện là một phần trong quần thể di tích cố đô Huế, đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Đây là điểm đến không thể bỏ qua đối với những ai yêu lịch sử và nghệ thuật.
Cung An Định (Nguồn: Internet)
Tọa lạc trên đường Sư Liễu Quán, chùa Từ Đàm là một trong những trung tâm Phật giáo lớn và lâu đời nhất của Huế. Chùa nổi bật với cổng tam quan cổ kính, tháp chuông và không gian thiền định thanh tịnh giữa lòng phố cổ. Đây là điểm đến lý tưởng cho du khách muốn tìm lại sự an yên trong tâm hồn sau những trải nghiệm sôi nổi.
Chùa Từ Đàm (Nguồn: Internet)
Đến với cầu ngói Thanh Toàn, du khách sẽ có dịp cảm nhận đời sống dân dã của một ngôi làng cổ xứ Huế. Mỗi đường nét chạm khắc trên cầu, mỗi hoạt động lễ hội, mỗi trải nghiệm dân gian nơi đây đều mang đến cảm giác "được sống chậm", lắng nghe âm thanh của ký ức, và chạm vào cốt lõi văn hóa Việt. Nếu bạn đang tìm kiếm một điểm đến yên bình, cầu ngói Thanh Toàn sẽ là một điểm dừng chân đáng giá. Hãy để Vietnam Airlines đồng hành cùng bạn trong hành trình khám phá cố đô!
Quý khách cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ, đáp ứng các quy định và thủ tục nhập cảnh của quốc gia đến. Vietnam Airlines sẽ không chịu trách nhiệm trong trường hợp hành khách bị từ chối nhập cảnh.
Quý khách vui lòng tham khảo thông tin tại đây.
Chúng tôi có sử dụng cookies nhằm cải thiện trải nghiệm của bạn khi truy cập website www.vietnamairlines.com. Vui lòng nhấn đồng ý để chấp thuận việc sử dụng cookies và không hiển thị lại thông báo này trong các lần truy cập tiếp theo.
Để tìm hiểu thêm về cookies và cách quản lý cookies, vui lòng xem tại đây