TRỢ GIÚP
ĐĂNG NHẬP
ĐĂNG KÝ
Đăng nhập
Quốc gia/Vùng
Ngôn ngữ
Cột cờ Hà Nội, hay còn gọi là Kỳ đài Hà Nội, là một trong những công trình kiến trúc quân sự tiêu biểu và là biểu tượng lịch sử đặc trưng của Thủ đô, gắn liền với những dấu mốc quan trọng của dân tộc. Bài viết sau sẽ giúp bạn khám phá toàn diện giá trị lịch sử, kiến trúc đặc sắc và vai trò biểu tượng của công trình này, đồng thời cập nhật thông tin hữu ích cho hành trình tham quan, tìm hiểu di tích.
Vị trí: Số 28A Điện Biên Phủ, phường Ba Đình, Hà Nội
Được xây dựng từ triều Nguyễn, Cột cờ Hà Nội đã chứng kiến hơn 200 năm thăng trầm lịch sử của dân tộc, từ thời phong kiến qua các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cho đến ngày nay. Cột cờ không chỉ là một công trình kiến trúc độc đáo mà còn là biểu tượng thiêng liêng của ý chí độc lập và tinh thần bất khuất của người Việt Nam.
Cột cờ Hà Nội (Nguồn: Internet)
Kể từ ngày 1/1/2025, Cột cờ Hà Nội chính thức mở cửa đón khách tham quan dưới sự quản lý của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội.
Giờ mở cửa: Từ 8:00 đến 17:00 hàng ngày
Giá vé: Mức giá vé được áp dụng đồng nhất cho cả khách trong nước và quốc tế
Hiện nay, du khách được phép tham quan khu vực bên ngoài Cột cờ và tầng thứ nhất. Riêng khu vực tầng thứ hai và ba lên đỉnh cột chưa mở cửa tham quan nhằm đảm bảo công tác bảo tồn. Tại đây, bạn có thể chiêm ngưỡng tổng thể kiến trúc cổ kính của công trình và tìm hiểu lịch sử qua hệ thống bảng thông tin được bố trí xung quanh.
Cột cờ Hà Nội nằm ở vị trí trung tâm, rất dễ dàng tiếp cận bằng nhiều phương tiện:
Xe máy, ô tô cá nhân:
Xe buýt:
Taxi, xe ôm công nghệ: Đây là lựa chọn tiện lợi và nhanh chóng từ bất kỳ địa điểm nào trong thành phố. Chi phí từ trên 40.000 VND/lượt taxi hoặc 20.000 VND/lượt xe ôm.
Đi bộ: Nếu bạn đang tham quan khu vực trung tâm như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình, hoặc Hoàng thành Thăng Long, bạn có thể dễ dàng đi bộ đến Cột cờ.
Cột cờ Hà Nội toạ lạc ngay trung tâm thành phố và có nhiều phương án di chuyển thuận tiện (Nguồn: Internet)
Cột cờ Hà Nội là một trong số rất ít công trình kiến trúc thuộc Hoàng thành Thăng Long còn được bảo tồn nguyên vẹn sau biến cố lịch sử.
Cột cờ Hà Nội được xây dựng vào năm 1805 dưới triều vua Gia Long và hoàn thành vào năm 1812, cùng thời với việc kiến tạo thành Hà Nội. Công trình tọa lạc ở phía Nam Hoàng thành Thăng Long cũ, trên nền thành Tam Môn thời Lê, là điểm mở đầu của trục chính tâm theo hướng Bắc - Nam, nối từ cổng Đoan Môn đến điện Kính Thiên.
Dưới triều đại nhà Nguyễn, Cột cờ Hà Nội không chỉ giữ vai trò là nơi treo cờ biểu trưng cho triều đình, mà còn là địa điểm tổ chức các nghi lễ hoàng gia và hoạt động quân sự quan trọng như duyệt quân ngũ, đấu võ.
Cột cờ Hà Nội đã trải qua hơn 2 thế kỷ chứng kiến mọi thăng trầm và lịch sử hào hùng của dân tộc (Nguồn: Internet)
Cột cờ Hà Nội là một phần của quần thể di tích Hoàng thành Thăng Long, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới (Nguồn: Internet)
Cột cờ Hà Nội cao tổng cộng 33,4m, nếu tính cả cán cờ bằng thép thì chiều cao vượt quá 40m. Chu vi công trình vào khoảng 180m. Cấu trúc được xây dựng theo lối cổ điển với ba tầng đế và một thân cột ở trên, tạo thành hình khối chóp vuông cụt nhỏ dần từ dưới lên.
Kiến trúc tổng thể của Cột cờ (Nguồn: Internet)
Tầng thứ nhất có kích thước lớn nhất, mỗi cạnh dài 42,5m và cao 3,1m, trang bị hai cầu thang gạch dẫn lên tầng trên.
Tầng thứ hai dài mỗi cạnh 27m và cao 3,7m, có 4 cửa mở ra bốn hướng. Trừ cửa ra hướng Bắc, trên ba cửa còn lại đều được khắc chữ Hán với ý nghĩa sâu sắc:
Tầng thứ ba nhỏ nhất với chiều dài mỗi cạnh 12,8m và cao 5,1m. Khu vực này chỉ có một cửa duy nhất ở hướng Bắc dẫn lên thân cột. Từ tầng 1 đến tầng 3 đều có cầu thang xoắn dẫn lên.
Kiến trúc bên ngoài (Nguồn: Internet)
Thiết kế bên trong (Nguồn: Internet)
Ở trên tầng thứ ba là thân cột cờ cao 18,2m, được thiết kế theo hình trụ bát giác (8 cạnh), mỗi cạnh rộng 2,13m. Bên trong là cầu thang xoắn ốc gồm 54 bậc dẫn lên đỉnh. Công trình có 39 cửa sổ hình hoa thị và 6 cửa hình cánh quạt bố trí đều trên các cạnh để lấy sáng và thông gió. Nhờ thiết kế khéo léo nên nhiệt độ bên trong của Cột cờ luôn mát mẻ, ngay cả giữa những ngày nóng bức.
Trên đỉnh là vọng lâu bát giác cao 3,3m với 8 cửa sổ tương ứng với 8 cạnh. Giữa vọng lâu là trụ thép tròn đường kính 0,4m và cao 8m được dùng để cắm cán cờ. Phía trên treo lá cờ Tổ quốc kích thước 4m x 6m. Từ năm 1986, lá cờ đã luôn được treo thường trực trên đỉnh cột.
Thân cột và vọng lâu (Nguồn: Internet)
Cột cờ là một công trình kiến trúc không cầu kỳ xa hoa, nhưng lại rất đẹp và hùng vĩ. Hình dáng vững chãi cùng lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nền trời Hà Nội luôn gợi lên cảm xúc tự hào mạnh mẽ. Dù chưa mở cửa leo lên đỉnh, du khách vẫn có thể quan sát toàn bộ kiến trúc ba tầng đế, thân cột và vọng lâu ngay tại chân đài, đồng thời tìm hiểu các tư liệu lịch sử qua bảng thông tin tại khu di tích.
Du khách có thể lên các bậc thang trên cột cờ, phóng tầm mắt ra công viên Lê-nin, nhìn ngắm các di tích còn sót lại của Hoàng thành Thăng Long, chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc đô thị tiêu biểu.
Khuôn viên xung quanh Cột cờ Hà Nội (Nguồn: Internet)
Với vẻ đẹp cổ kính và vô cùng bề thế, Cột cờ Hà Nội là phông nền hoàn hảo để ghi lại những bức ảnh lưu niệm ấn tượng. Nhiều du khách chọn khung hình từ góc thấp hoặc góc rộng để nắm trọn vẻ uy nghi sừng sững của công trình.
Check-in tại Cột cờ Hà Nội (Nguồn: Internet)
Vào các dịp lễ lớn như Quốc khánh 02/09, Giải phóng Thủ đô 10/10 hoặc các sự kiện lớn, tại Cột cờ và các khu vực lân cận như Hoàng thành Thăng Long, sân vận động Cột Cờ cũ thường tổ chức lễ chào cờ, biểu diễn văn hoá - nghệ thuật với quy mô trang trọng. Đây là cơ hội hiếm có để bạn cảm nhận không khí thiêng liêng giữa lòng Hà Nội.
Chương trình nghệ thuật "Hà Nội - Bản hùng ca phố" kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (Nguồn: Internet)
Sau khi tham quan Cột cờ, du khách có thể kết hợp khám phá các điểm đến lân cận để có một hành trình trọn vẹn, sâu sắc về Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận từ năm 2010, chỉ cách Cột cờ vài phút đi bộ. Nơi đây từng là trung tâm quyền lực của các triều đại phong kiến Việt Nam suốt hơn một thiên niên kỷ. Du khách có thể khám phá những dấu tích khảo cổ học quý giá như nền điện Kính Thiên, cửa Đoan Môn, Hậu Lâu hay các hố khai quật sâu dưới lòng đất, mang đến cái nhìn sống động về quá khứ thăng trầm của Thăng Long - Hà Nội.
Di tích Hoàng thành Thăng Long (Nguồn: Internet)
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Lăng Bác Hồ) là nơi an nghỉ vĩnh hằng của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Công trình uy nghiêm này không chỉ là địa điểm viếng thăm trang trọng, mà còn là nơi thể hiện lòng thành kính và niềm biết ơn sâu sắc của nhân dân cả nước với Bác Hồ.
Phía trước lăng là Quảng trường Ba Đình, nơi chứng kiến thời khắc lịch sử thiêng liêng khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 02/09/1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Với không gian rộng lớn và thiêng liêng, nơi đây thường diễn ra các nghi lễ trọng đại như lễ thượng cờ, duyệt binh và các sự kiện quốc gia.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình (Nguồn: Internet)
Bảo tàng Hồ Chí Minh nằm phía sau Lăng Bác, được thiết kế hiện đại với nội dung trưng bày sâu sắc về cuộc đời, tư tưởng và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là nơi để du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ, tìm hiểu thêm về lịch sử hiện đại Việt Nam thông qua các tư liệu, hiện vật quý hiếm và cách trình bày sáng tạo.
Bảo tàng Hồ Chí Minh (Nguồn: Internet)
Chùa Một Cột là một trong những biểu tượng kiến trúc đặc trưng nhất của Hà Nội. Với thiết kế độc đáo theo hình dáng hoa sen nở trên mặt hồ, ngôi chùa mang đậm triết lý Á Đông về sự thanh cao và lòng thành kính đối với Phật pháp. Dù quy mô không lớn, nhưng Chùa Một Cột luôn để lại ấn tượng sâu đậm cho mọi du khách bởi vẻ đẹp thanh thoát, hài hòa giữa kiến trúc và thiên nhiên.
Chùa Một Cột (Nguồn: Internet)
Cột cờ Hà Nội không chỉ là một công trình kiến trúc quân sự tiêu biểu, mà còn là biểu tượng thiêng liêng của tinh thần độc lập, ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam. Với vị thế trang trọng giữa lòng Thủ đô, kiến trúc uy nghi cùng bề dày lịch sử hào hùng, nơi đây xứng đáng là điểm đến không thể thiếu trong hành trình khám phá Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Quý khách cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ, đáp ứng các quy định và thủ tục nhập cảnh của quốc gia đến. Vietnam Airlines sẽ không chịu trách nhiệm trong trường hợp hành khách bị từ chối nhập cảnh.
Quý khách vui lòng tham khảo thông tin tại đây.
Chúng tôi có sử dụng cookies nhằm cải thiện trải nghiệm của bạn khi truy cập website www.vietnamairlines.com. Vui lòng nhấn đồng ý để chấp thuận việc sử dụng cookies và không hiển thị lại thông báo này trong các lần truy cập tiếp theo.
Để tìm hiểu thêm về cookies và cách quản lý cookies, vui lòng xem tại đây