Chùa Ông Núi - Tìm hiểu lịch sử, kiến trúc và kinh nghiệm tham quan

Nằm tựa lưng vào ngọn núi Bà hùng vĩ, giữa vùng non nước hoang sơ của xã Cát Tiến, chùa Ông Núi hiện lên như một bức tranh thủy mặc, nơi tượng Phật Thích Ca khổng lồ an nhiên ngự trị giữa trời mây, nơi từng bậc đá dẫn lối hành hương như đưa con người dần thoát tục mà tìm về cõi tịnh. Không chỉ là chốn lễ bái, thiền định, đây còn là điểm đến du lịch tâm linh độc đáo, thu hút đông đảo Phật tử và du khách gần xa mỗi năm.

Giới thiệu về chùa Ông Núi

  • Vị trí:
    • Đỉnh Chóp Vung, thuộc dãy núi Bà
    • Địa chỉ cụ thể ở đường Tỉnh lộ 639, xã Cát Tiến, tỉnh Gia Lai (Bình Định cũ).
  • Giờ mở cửa: Từ 9:00 - 18:00 hàng ngày
  • Giá vé tham quan: Miễn phí

Chùa Ông Núi có tên gọi chính thức là Linh Phong Sơn Tự (hoặc Dũng Tuyền Linh Phong Thiền Viện). Tên gọi “Ông Núi” bắt nguồn từ truyền thuyết dân gian về Thiền sư Tịnh Giác, một bậc chân tu sống ẩn cư tại núi Bà từ cuối thế kỷ XVII. Trong khi đó, tên “Linh Phong” mang ý nghĩa “gió thiêng”, hàm chứa sự linh ứng của núi rừng và tinh thần giác ngộ tu hành. Hai tên gọi song song này phản ánh hành trình phát triển đặc biệt của ngôi chùa: từ một am tranh đơn sơ đến một thiền tự trang nghiêm được triều đình chính thức bảo trợ.

Quần thể chùa Ông Núi

Quần thể chùa Ông Núi (Nguồn: Internet)

Quần thể chùa toạ lạc uy nghi trên núi Bà, nổi bật với tượng Phật khổng lồ mang thế tựa sơn vọng hải

Quần thể chùa toạ lạc uy nghi trên núi Bà, nổi bật với tượng Phật khổng lồ mang thế tựa sơn vọng hải (Nguồn: Internet)

Quần thể chùa Ông Núi

Quần thể chùa Ông Núi (Nguồn: Internet)

Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni tại chùa Ông Núi

Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni tại chùa Ông Núi (Nguồn: Internet)

Lịch sử hình thành và phát triển của chùa Ông Núi

Thời kỳ sơ khai

Trước khi chùa được dựng lên, khu vực này vốn có hang đá Dũng Tuyền Thạch Cốc. Năm 1686, thiền sư Giám Huyền cùng đệ tử Lê Ban (pháp danh Tánh Ban) đến đây tu hành. Đến năm 1696, sau khi thầy rời đi, Tánh Ban một mình ở lại ẩn tu, sống khổ hạnh và dùng thuốc Nam cứu người mà không lấy công. Nhân dân kính phục đạo hạnh của ông nên gọi là Mộc Y Sơn Ông - tức “ông núi mặc áo vỏ cây”.

Năm Nhâm Ngọ 1702, ông dựng một am tranh trên sườn núi, đặt nền móng cho ngôi chùa đầu tiên. Từ đó, chùa được người dân gọi thân thương là chùa Ông Núi.

Giai đoạn hưng thịnh dưới triều Nguyễn (Thế kỷ XVIII - XIX)

Đầu thế kỷ XVIII, chúa Nguyễn Phúc Chu cho xây dựng lại chùa bằng ngói và ban tên mới là Linh Phong Thiền Tự. Chúa cũng phong pháp hiệu cho Lê Ban là Tịnh Giác Thiện Trì Đại Lão Công Thiền Sư.

Ngài Tánh Ban viên tịch năm 1747, thọ 81 tuổi. Đến năm 1826, vua Minh Mạng, sau khi khỏi bệnh nhờ giấc mộng thấy Ông Núi, đã trích ngân khố để tái thiết chùa và ban tặng pháp phục cà sa.

Chùa tiếp tục được tu bổ vào năm 1897 dưới sự tài trợ của Đào Tấn - tổ sư ngành tuồng Việt Nam. Danh tiếng và cảnh sắc chùa lúc này được ca ngợi trong nhiều tư liệu cổ, trong đó có "Đại Nam Nhất thống chí".

Chiến tranh và tái thiết (thế kỷ XX - XXI)

Chiến tranh khốc liệt vào khoảng năm 1965 - 1967 đã phá hủy hoàn toàn chùa cổ, Chỉ còn lại Hang Tổ và một dòng suối nhỏ. Đến năm 1990, việc xây dựng lại chùa mới bắt đầu và hoàn tất vào năm 2004 với quy mô và diện mạo khang trang.

Năm 2009, UBND tỉnh Bình Định (nay là tỉnh Gia Lai) cùng Giáo hội Phật giáo tiếp tục phát động dự án đầu tư chùa Ông Núi thành quần thể du lịch tâm linh Linh Phong, với quy mô hơn 63ha và tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng.

Vai trò tôn giáo - văn hóa - lịch sử ngày nay

Chùa Ông Núi không chỉ là một ngôi cổ tự có giá trị tôn giáo sâu sắc, mà còn là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận từ năm 1994.

Kiến trúc và cảnh quan đặc sắc của chùa Ông Núi

Chùa Ông Núi mang kiến trúc truyền thống miền Trung với mái ngói cong vút, cột kèo gỗ lim chạm trổ tinh xảo. Không gian xung quanh được quy hoạch thành nhiều khu vực, với các điện thờ được xây dựng khang trang mà vẫn giữ được nét thần khí và linh thiêng, cùng với đó là khuôn viên mát mẻ nhờ tán cây cổ thụ và hồ sen thanh tịnh.

Khu vực chân núi trước đường lên chùa

Khu vực chân núi trước đường lên chùa (Nguồn: Internet)

Một số công trình đặc sắc bao gồm:

Lối lên tượng Phật khổng lồ và cổng chùa

Để đến khu tượng Phật khổng lồ, du khách cần vượt qua khoảng 600 bậc đá, len lỏi uốn lượn giữa hai vách núi sừng sững. Dọc đường đi là những bức tượng La Hán, tượng Hộ Pháp, chuông đá, bia đá khắc kinh Phật, như những dấu ấn nhắc nhở tâm hành tĩnh tại.

Một pho tượng chạm khắc công phu trên đường lên núi

Một pho tượng chạm khắc công phu trên đường lên núi (Nguồn: Internet)

Chính điện

Chính điện nổi bật với mái ngói đỏ cong mềm mại, đỉnh mái chạm trổ hình rồng bay. Các cột gỗ sơn đỏ được chạm khắc tinh xảo. Phía trước điện là lư hương lớn để Phật tử thắp nhang cầu nguyện. Bên trong điện là tượng Phật cao 2,5m được đặt trang trọng.

Khu vực chính điện

Khu vực chính điện (Nguồn: Internet)

Tháp chuông và Hang Tổ

  • Gần chính điện là tháp chuông cao khoảng 15m, treo đại hồng chung nặng hơn 2 tấn, tiếng chuông ngân xa trong gió núi.
  • Cách đó không xa là Hang Tổ (Dũng Tuyền Thạch Cốc) - nơi thờ vị thiền sư khai sơn chùa. Trong hang có bàn thờ Ông Núi và một lối nhỏ dẫn xuống dòng suối mát lành chảy róc rách suốt ngày đêm, được nhiều người xem là “nước thánh”.
  • Phía sau chùa còn có các tháp mộ cổ nằm xen kẽ giữa đá núi và rừng già, là nơi an nghỉ của các bậc cao tăng qua nhiều thế hệ.

Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni “Tựa sơn vọng hải”

Một điểm nhấn nổi bật của quần thể là Tượng Phật ngồi Thích Ca Mâu Ni khổng lồ. Pho tượng cao 69m, tính cả đài sen và bệ là 108m, được thiết kế với tư thế “tựa sơn vọng hải” - một biểu tượng của điềm lành mang ý nghĩa che chở, gìn giữ bình an cho xứ sở.

Dưới chân tượng là Trung tâm thuyết pháp Phật giáo, hành lang La Hán với 1.438 tượng Phật xếp quanh tường, thư viện Phật giáo và bảo tàng Xá Lợi Phật, là nơi du khách có thể chiêm bái, học hỏi đạo pháp.

Phía sau tượng có lối cầu thang dẫn lên đài sen, điểm cao nhất của khu vực, nơi du khách có thể phóng tầm mắt bao quát toàn cảnh vịnh Thị Nại đầy ngoạn mục.

Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cao 69m

Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cao 69m (Nguồn: Internet)

Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni tại chùa Ông Núi từng là tượng Phật ngồi cao nhất Đông Nam Á

Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni tại chùa Ông Núi từng là tượng Phật ngồi cao nhất Đông Nam Á (Nguồn: Internet)

Khu vực chân tượng Phật

Khu vực chân tượng Phật (Nguồn: Internet)

Một số công trình nổi bật khác trong chùa

Một số công trình nổi bật khác trong chùa (Nguồn: Internet)

Một số công trình nổi bật khác trong chùa

Một số công trình nổi bật khác trong chùa (Nguồn: Internet)

Ngắm nhìn các công trình và tuyệt tác Phật giáo kỳ công

Ngắm nhìn các công trình và tuyệt tác Phật giáo kỳ công (Nguồn: Internet)

Ngắm nhìn các công trình và tuyệt tác Phật giáo kỳ công

Ngắm nhìn các công trình và tuyệt tác Phật giáo kỳ công (Nguồn: Internet)

5+ Trải nghiệm đáng nhớ tại chùa Ông Núi

Lễ chùa, cầu an

Hoạt động lễ chùa, cầu an tại chùa Ông Núi thường bắt đầu từ chính điện. Du khách có thể chuẩn bị lễ vật đơn giản gồm hương, hoa, trái cây và nước lọc. Sau đó có thể tiếp tục dâng hương tại nhà Tổ hoặc khu vực tượng Phật lớn trên đỉnh núi.

Tại đây, du khách thường cầu nguyện cho bình an, sức khỏe, hóa giải tai ương hoặc cầu duyên, công việc thuận lợi. Vào các dịp lễ lớn đầu năm hoặc ngày rằm, nhà chùa cũng phát hành thẻ cầu an và lá sớ để Phật tử ghi lại tên tuổi, lời nguyện và gửi vào thùng công đức; những thẻ này sẽ được tụng đọc trong các khóa lễ.

Lưu ý: Nếu chưa quen nghi lễ chùa, bạn có thể quan sát hoặc hỏi người giữ hương đăng trong chánh điện để được hướng dẫn.

Một khu vực lễ Phật trong chùa Ông Núi, nằm ngay dưới chân tượng Phật Thích Ca Mâu Ni

Một khu vực lễ Phật trong chùa Ông Núi, nằm ngay dưới chân tượng Phật Thích Ca Mâu Ni (Nguồn: Internet)

Trải nghiệm thiền tĩnh và khám phá Hang Tổ

Từ chính điện, du khách đi men theo lối mòn bên tay trái với những bậc đá và con đường đất pha cát ngoằn ngoèo để đến Hang Tổ. Tại đây, du khách có thể:

  • Hành lễ, cầu nguyện trước bàn thờ Ông Núi
  • Tĩnh tâm, thả lỏng tinh thần
  • Khám phá lối đi nhỏ trong hang dẫn xuống một dòng suối trong lành.

Dòng nước này được nhiều người dân địa phương và Phật tử tin là “nước thiêng”, thường dùng để uống hoặc rửa mặt với mong muốn mang lại bình an, sức khỏe và sự thanh tẩy thân tâm. Đây là một trong những trải nghiệm đặc biệt và yên bình nhất dành cho du khách khi đến với chùa Ông Núi.

Du khách đến bái lễ ở Hang Tổ

Du khách đến bái lễ ở Hang Tổ (Nguồn: Internet)

Trekking đỉnh đặt tượng Phật

Với hơn 600 bậc đá xanh uốn lượn theo sườn núi, việc leo bộ lên tượng Phật là một hành trình thiền hành đích thực. Đây không chỉ là hoạt động thể chất mà còn là trải nghiệm rèn luyện tâm trí, kiên nhẫn, và ý chí.

Không những vậy, mỗi bậc thang lên đỉnh lại là một khung cảnh đẹp nao lòng. Du khách sẽ được ngắm nhìn những bông lau bay trong gió, cây cối xanh mát, hoa nở rực rỡ cùng những chú dê lấp ló trong hang đá, tất cả tạo nên một khung cảnh yên bình, nên thơ.

Trekking hơn 600 bậc đá lên đỉnh núi là một trải nghiệm đặc sắc đối với khách hành hương chùa Ông Núi

Trekking hơn 600 bậc đá lên đỉnh núi là một trải nghiệm đặc sắc đối với khách hành hương chùa Ông Núi (Nguồn: Internet)

Chụp ảnh, ngắm cảnh quan hùng vĩ

Ở khu vực chân tượng Phật Thích Ca Mâu Ni khổng lồ có cầu thang dẫn lên đài sen, nơi du khách có thể phóng tầm mắt ra toàn cảnh thiên nhiên kỳ vĩ của vùng đất Phù Cát:

  • Biển Cát Tiến trải dài xanh thẳm, ôm lấy đường chân trời bất tận.
  • Làng mạc và cánh đồng của huyện Phù Cát hiện ra thanh bình, điểm xuyết những mái nhà nhỏ giữa màu xanh ngút ngàn.
  • Phía sau lưng tượng là dãy núi Bà, nơi núi đá chồng lớp như những đợt sóng khổng lồ giữa đại ngàn.
  • Ngắm bình minh và hoàng hôn đầy chất thơ.

Tầm nhìn ngoạn mục từ khu vực tượng Phật Thích Ca Mâu Ni

Tầm nhìn ngoạn mục từ khu vực tượng Phật Thích Ca Mâu Ni (Nguồn: Internet)

Tầm nhìn ngoạn mục từ khu vực tượng Phật Thích Ca Mâu Ni

Tầm nhìn ngoạn mục từ khu vực tượng Phật Thích Ca Mâu Ni (Nguồn: Internet)

Check-in tại chùa Ông Núi

Check-in tại chùa Ông Núi (Nguồn: Internet)

Tham gia lễ hội Phật giáo và các khoá tu

Một trong những lễ hội đặc sắc nhất tại đây là lễ hội chùa Ông Núi, diễn ra vào ngày 24 và 25 tháng Giêng âm lịch, trong đó ngày 25 là ngày giỗ Thiền sư Tịnh Giác - người khai sơn ngôi chùa. Đây là dịp để phật tử và du khách dâng hương, cầu nguyện bình an, sức khỏe và khởi đầu năm mới thuận lợi.

Không khí lễ hội rất đông vui, có thể đón hơn 10.000 lượt khách, nhất là khi trùng vào dịp cuối tuần. Ngoài nghi lễ truyền thống, chùa còn phát cơm chay miễn phí, phát lộc đầu năm (trầu cau, hoa) và bố trí nhiều điểm cầu an thuận tiện.

Bên cạnh lễ hội chính, chùa cũng thường xuyên tổ chức các buổi lễ cầu an và khóa tu thiền. Những chương trình này giúp phật tử thực hành thiền định, tụng kinh, sống chậm lại và hiểu sâu hơn về giáo lý nhà Phật trong không gian yên tĩnh nơi núi rừng linh thiêng.

Rộn ràng lễ hội đầu năm

Rộn ràng lễ hội đầu năm (Nguồn: Internet)

Kinh nghiệm du lịch chùa Ông Núi

Thời điểm lý tưởng để viếng thăm

Thời gian lý tưởng trong năm để đến chùa Ông Núi là tháng 02 đến tháng 09 dương lịch. Lúc này thời tiết Bình Định thường khô ráo, trời trong, nắng nhẹ, thích hợp để chiêm bái và tham quan, ngắm cảnh.

Trong đó, mùa xuân từ tháng 01 đến tháng 03 âm lịch được xem là thời điểm đẹp nhất, với thời tiết mát mẻ, hoa anh đào nở rộ trên núi và nhiều lễ hội sôi động được tổ chức (hội Rằm tháng Giêng, lễ hội chùa Ông Núi, ngày vía Đức Phật Thích Ca, lễ Phật Đản, v.v.).

Thời điểm lý tưởng trong ngày:

  • Sáng sớm: Không khí mát lành, thích hợp để leo núi và chiêm ngưỡng tượng Phật trong ánh nắng ban mai.
  • Chiều muộn: Phong cảnh tĩnh mịch, gió lồng lộng từ biển thổi lên, thích hợp thiền định hoặc chụp ảnh hoàng hôn trên đỉnh núi.

Lưu ý: Mùa mưa từ tháng 10 đến tháng 12 có thể trơn trượt khi leo bậc đá, du khách nên chuẩn bị giày dép chống trượt và hạn chế đi khi trời mưa to.

Thời điểm lý tưởng để ghé chùa Ông Núi là từ tháng 01 đến tháng 03 âm lịch

Thời điểm lý tưởng để ghé chùa Ông Núi là từ tháng 01 đến tháng 03 âm lịch (Nguồn: Internet)

Hướng dẫn di chuyển

Lộ trình từ khu vực trung tâm đến núi Bà

Từ khu vực Quảng trường Nguyễn Tất Thành (trung tâm thành phố Quy Nhơn cũ), du khách có thể đến chùa Ông Núi theo hai tuyến chính với thời gian di chuyển khoảng 45 phút:

  • Tuyến đường ven biển Kỳ Co - Eo Gió: Đi theo quốc lộ 19B để qua các điểm gồm cầu Thị Nại - khu kinh tế Nhơn Hội - xã Cát Tiến. Tuyến này cảnh quan đẹp, thuận tiện kết hợp tham quan Kỳ Co - Eo Gió - Trung Lương.
  • Tuyến quốc lộ 1A: từ Quy Nhơn đi ra quốc lộ 1A hướng Bắc (khoảng 30km), rẽ vào đường lên xã Cát Tiến, theo bảng chỉ dẫn đến khu di tích.

Phương tiện di chuyển:

  • Xe máy hoặc ô tô cá nhân: Giá thuê xe máy từ 100.000 - 200.000 VND/ngày, ô tô từ 700.000 - 2.000.000 VND/ngày.
  • Taxi, xe ôm công nghệ: Có thể bắt xe trực tiếp trong thành phố, đặt xe qua tổng đài hoặc qua ứng dụng đặt xe. Cước phí xe ôm từ 130.000 VND/lượt, taxi từ 240.000 VND/lượt.
  • Tour du lịch tham quan chùa Ông Núi kết hợp các điểm đến khác (Hòn Khô, Trung Lương, v.v.): Đặt tour ghép tại các công ty lữ hành uy tín với giá từ trên 650.000 VND/khách/ngày cho đoàn từ 4 khách trở lên. Tour du lịch đã bao gồm phương tiện di chuyển, ăn uống và hướng dẫn viên.

Khu vực chân núi dẫn lên chùa và tượng Phật ngồi

Khu vực chân núi dẫn lên chùa và tượng Phật ngồi (Nguồn: Internet)

Hướng dẫn di chuyển từ chân núi Bà lên chùa:

Từ chân núi Bà, du khách cần leo khoảng 600 bậc đá (tương đương khoảng cách 500m) để đến được khu tượng Phật lớn và chùa Ông Núi. Cung đường dốc vừa phải và thích hợp cho người có sức khỏe trung bình.

Nếu không đủ sức đi bộ, bạn có thể thuê xe ôm tự phát với giá 40.000 - 50.000 VND/người/chiều lên, và 20.000 - 30.000 VND/người/chiều xuống

Lưu ý: Một số xe ôm chạy nhanh trên đường dốc quanh co nên tiềm ẩn rủi ro. Du khách nên cân nhắc kỹ trước khi sử dụng dịch vụ. Nên đi xe ôm của đội xe tự quản trong chùa thay vì dịch vụ tự phát.

Du khách không đủ sức leo hơn 600 bậc thang có thể lựa chọn dịch vụ xe ôm để lên đỉnh núi

Du khách không đủ sức leo hơn 600 bậc thang có thể lựa chọn dịch vụ xe ôm để lên đỉnh núi (Nguồn: Internet)

Lưu ý quan trọng

Trang phục phù hợp: Khi vào khuôn viên chùa, đặc biệt là chánh điện và khu vực tượng Phật, du khách cần ăn mặc lịch sự, kín đáo; tránh quần áo quá ngắn, áo ba lỗ, váy ngắn trên gối.

Ứng xử đúng mực:

  • Giữ im lặng, nói chuyện nhỏ nhẹ khi bước vào các điện thờ.
  • Không cười đùa, không gây ồn ào, chụp ảnh phản cảm, leo trèo lên tượng.
  • Không xả rác, không hái hoa, bẻ cành trong khuôn viên chùa.
  • Khi hành lễ, nên chắp tay, cúi đầu thành kính; không chen lấn, xô đẩy.

Lưu ý khi leo bộ lên tượng Phật

  • Người cao tuổi, trẻ nhỏ hoặc người có tiền sử tim mạch nên cân nhắc sức khỏe trước khi leo bộ hơn 600 bậc đá.
  • Có thể chọn dừng chân nghỉ tại các chòi mát dọc đường lên.
  • Mang theo nước uống, mũ nón, giày đế mềm hoặc thể thao.
  • Không đi khi trời mưa lớn hoặc trơn trượt để tránh té ngã.

Ăn uống: Dưới chân núi và quanh khu vực chùa có dịch vụ hàng quán ẩm thực và nước uống, niêm yết giá cả rõ ràng. Du khách lưu ý không nên mang thức ăn mặn vào trong khuôn viên chùa.

Người cao tuổi, trẻ nhỏ hoặc người có tiền sử tim mạch nên cân nhắc sức khỏe trước khi leo bộ hơn 600 bậc đá

Người cao tuổi, trẻ nhỏ hoặc người có tiền sử tim mạch nên cân nhắc sức khỏe trước khi leo bộ hơn 600 bậc đá (Nguồn: Internet)

Không chỉ là nơi thờ tự linh thiêng, chùa Ông Núi còn giữ vai trò như một trung tâm sinh hoạt văn hóa dân gian của người dân địa phương. Nếu có dịp ghé thăm Gia Lai - Bình Định, bạn hãy dành một buổi lên chùa Ông Núi để chiêm bái, tìm sự an yên, và cảm nhận một phần đời sống văn hóa đặc trưng của người dân xứ Nẫu.